(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 3 năm thụ lý, chiều nay theo giờ Hà Nội, Tòa Trọng tài thường trực (PCA), có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã chính thức ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Phán quyết dày 497 trang của Tòa nêu rõ Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đòi "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn". Các tuyên bố yêu sách của Trung Quốc đối với đường 9 đoạn là hoàn toàn đi ngược Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Theo phán quyết của Tòa PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Trong khi đó, phía Trung Quốc tái khẳng định lập trường không chấp nhận bất cứ phán quyết nào của PCA.
Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông, gây ra mối hiểm họa về nguy cơ va chạm nguy hiểm với các tàu thuyền Philipines tại khu vực này. Bắc Kinh cũng không có quyền lợi nào đối với vùng đặc quyền kinh tế nằm trong phạm vi 200 hải lý quanh đảo Vành Khăn hay bãi Cỏ Mây.
Ngày 12/7, sau phán quyếtcủa Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố phán quyết của PCA là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình".
Về vấn đề môi trường, phán quyết nêu rõ các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực đã gây ra những tổn hại lâu dài và không thể cứu vãn đối với hệ sinh thái các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa.
Tòa cũng kết luận những hành động đơn phương của Trung Quốc như tôn tạo, xây đảo nhân tạo đã khiến tình hình tại Biển Đông trở nên căng thẳng .
Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" . Trung Quốc cũng liên tục bồi lấp, xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên PCA kiện yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" trái với UNCLOS 1982 vượt quá những giới hạn mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết của PCA là "không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc".
Về lập trường của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình mới đây đã khẳng định là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán là ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Truyền hình Thông tấn VNEWS