Vì sao Philippines xích lại gần Nga trong khi lại 'lạnh lùng' với Mỹ?
(Thethaovanhoa.vn) - Việc Nga và Philippines bắt đầu có những động thái xích lại gần nhau trong lĩnh vực quân sự đang làm dấy lên nhiều đồn đoán, nhất là trong bối cảnh Manila ngày càng xa rời Mỹ và tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác quốc tế.
Ngày 6/1, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đi thăm tàu chiến Nga đang cập cảng nước này.
Phát biểu khi bắt tay Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Nga, Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov, ông Duterte nói: "Chúng tôi hoan nghênh những người bạn Nga, bất cứ khi nào các bạn muốn tới Philippines vì bất cứ điều gì, vui chơi, bổ sung các nguồn tiếp tế hay có thể là trở thành đồng minh để bảo vệ chúng tôi."
Nhân sự kiện này, Đại sứ Nga tại Philippines, Igor Anatolyevich Khovaev, cho biết Nga có kế hoạch cung cấp cho Philippines nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó có máy bay, tàu ngầm cùng một số loại vũ khí khác.
Đại sứ Khovaev cho biết Nga có nhiều loại vũ khí có thể chào hàng với Philippines.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các loại vũ khí cỡ nhỏ và hạng nhẹ, các máy bay, máy bay trực thăng, tàu ngầm, cùng rất nhiều loại vũ khí khác. Các vũ khí tối tân. Và không phải là hàng đã qua sử dụng”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ 3 từ trái sang) đang thảo luận với Thiếu tướng Hải quân Eduard Mikhailov của Nga ở Metro Manila ngày 6/1 (Nguồn: Reuters)
Theo Kyodo, ông Khovaev cho biết hai bên đang xúc tiến "những nỗ lực cần thiết" để tiến tới một thỏa thuận nhằm mở đường cho hợp tác sâu rộng, trong đó bao gồm cả các cuộc tập trận chung và chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí.
Ông nói: "Chúng tôi rất quan tâm tới việc ký kết thỏa thuận này càng sớm càng tốt. Theo những gì tôi được biết, phía Philippines cũng cùng có chung quan điểm ấy. Bởi vậy chúng tôi hy vọng mọi chuyện sớm khả thi".
Tuy nhiên, ông thừa nhận sẽ phải mất thời gian bởi "hợp tác quốc phòng" là một vấn đề đặc biệt và vô cùng nhạy cảm, cần tới "cơ sở pháp lý vững chắc và lòng tin song phương".
Ông Khovaev khẳng định thỏa thuận mà hai bên mong muốn không nhất thiết sẽ biến Manila thành một đồng minh quân sự của Moskva.
Hãng tin Kyodo dẫn lời ông nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Nga không hướng tới việc xây dựng liên minh quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi phản đối mọi mối liên minh quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bởi an ninh là điều cần phải được xây dựng công bằng cho mọi quốc gia trong cộng đồng quốc tế, chứ không phải chỉ cho một vài nước nào đó".
Ông Khovaev cũng thừa nhận vẫn còn quá sớm để nói về phạm vi hợp tác quân sự, song các đồng minh cũ của Philippines không nên lo ngại. Bình luận này được cho là ám chỉ Mỹ.
Ông nói: “Các đối tác truyền thống (của Philippines) không nên lo ngại về mối quan hệ quân sự này… Nếu họ lo ngại, tốt hơn hết là họ nên từ bỏ mối liên minh ấy”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đẩy tương lai quan hệ Washington-Manila đứng trước nhiều dấu hỏi bằng hàng loạt tuyên bố chỉ trích gay gắt nhằm vào Mỹ, thậm chí còn dự định thu hẹp các mối quan hệ quân sự với Mỹ trong khi tích cực thúc đẩy quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Nhà ngoại giao Nga cho biết Moskva hoàn toàn hiểu được ý định của Philippines trong việc đa dạng hóa các đối tác nước ngoài.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông nói: “Đó không phải là việc lựa chọn giữa những đối tác này hay đối tác khác. Đa dạng hóa đồng nghĩa với việc duy trì và giữ vững những mối quan hệ cũ và tìm kiếm những đối tác mới. Nga sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy, một người bạn thân thiết của Philippines… Nga không can thiệp vào các mối quan hệ của Philippines với các đối tác truyền thống, và các đối tác truyền thống của Philippines cũng nên tôn trọng những mối quan tâm chung của Nga và Philippines”.
Chưa đầy một tháng trước chuyến thăm của tàu hải quân Nga, Tổng thống Duterte đã cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng tới Moskva để thảo luận về các hợp đồng mua bán vũ khí, sau khi một thượng nghị sỹ Mỹ tuyên bố sẽ phản đối thương vụ bán 26.000 khẩu súng trường cho Philippines do lo ngại về con số thương vong ngày càng tăng trong cuộc chiến chống ma túy mà ông Duterte phát động tại quốc gia châu Á này.
Ngày 3/1, Thiếu tướng Hải quân Eduard Mikhailov - Chỉ huy tàu Flotilla thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga - cho biết Nga muốn tiến hành các cuộc diễn tập hàng hải với Philippines để hỗ trợ nước này trong công tác chống khủng bố và chống cướp biển.
Mỹ và Philippines trong nhiều năm qua vẫn tiến hành các cuộc tập trận thường niên song Tổng thống Duterte đã quyết định giảm số lượng các hoạt động này và chuyển địa điểm diễn tập khỏi các vùng biển nhạy cảm ở Biển Đông nhằm trấn an Trung Quốc.
Viết về sự kiện tàu chiến Nga tới thăm Philippines, báo chí trong nước cho rằng hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Philippines đang đối mặt với nhiều đe dọa khủng bố nghiêm trọng.
Lực lượng vũ trang AbuSayyaf ở miền Nam, tuy có số lượng không đông song lại vô cùng hung hăng, và có mối liên hệ mật thiết với tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Bởi vậy, tăng cường hợp tác quân sự quốc tế được đánh giá là điều hết sức có lợi cho việc nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội Philippines và răn đe các thế lực khủng bố trong nước.
Theo Đài Bắc Kinh, có một số ý kiến cho rằng Philippines xích lại gần Nga để cân bằng quan hệ với Mỹ, tích cực tìm kiếm đối tác để giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ tại Philippines.
Qua chuyến thăm của Hải quân Nga, Philippines có thể phát đi thông điệp rằng Mỹ sẽ không còn là đối tác hợp tác an ninh duy nhất của Philippines.
Điều này vừa có lợi cho Tổng thống Duterte nhằm cân bằng ảnh hưởng của Mỹ ở trong nước, vừa giúp Manila giành được sự giúp đỡ thực chất của Nga để giải quyết các thách thức an ninh mà họ đang phải đối mặt.
Vietnam+