(Thethaovanhoa.vn) - Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, cái tên nằm ở tâm bão chính trị khiến nhiều thành viên trong nội các của ông chủ Nhà Trắng thứ 45 Donald Trump mất ghế hoặc bị yêu cầu từ chức, đang là nhân vật được truyền thông Mỹ nhắc đến không ngừng.
Câu hỏi được đặt ra là vị Đại sứ Nga đang trở thành “cột thu lôi” cho nghi ngờ Tổng thống Mỹ Trump cùng nhiều cộng sự và thành viên nội các đều có mối liên hệ với Moskva, thực chất là người như thế nào.
Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.
Nhân vật gây bão
Cuộc hội thoại giữa Đại sứ Nga Kislyak và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn chính là mồi lửa dẫn đến việc ông Flynn buộc phải từ chức vào ngày 13/2.
Không dừng ở đó, hai cuộc gặp giữa Đại sứ Kislyak và Bộ trưởng Tư pháp đương nhiệm Jeff Sessions trong thời gian diễn ra cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 đã bị “khai quật”. Điều này đang khiến ông Sessions đối đầu hàng loạt công kích yêu cầu từ chức.
Đại sứ Kislyak xuất hiện khi ông Trump có phát biểu tại lưỡng viện quốc hội.
“Cơn bão” tiếp theo nổi lên khi vị đại sứ Nga 66 tuổi ung dung xuất hiện trong buổi phát biểu đầu tiên của ông Trump trước lưỡng viện quốc hội Mỹ hôm 28/2.
Ngoài ra, trong cuộc một cuộc họp báo năm 2016, ông Kislyak có phát biểu khá ẩn ý: “Chúng ta đã kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nhưng dường như chúng ta chưa có khả năng để xây dựng hòa hình hậu Chiến tranh Lạnh”.
Thâm niên đáng nể
Đại sứ Kislyak được coi là “một cây đại thụ” trong làng ngoại giao Nga. Ông Kislyak từng tốt nghiệp Viện Ngoại thương Liên Xô sau đó được tuyển vào bộ ngoại giao năm 1977.
Nhiệm kỳ đầu tiên tại Mỹ của ông Kislyak là từ năm 1985-1989, đây cũng là khoảng thời gian cao điểm mà nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev nỗ lực mở cửa và cải cách Liên bang Xô Viết.
Trong ảnh chụp năm 2009 là ông Kislyak trao đổi cùng Tổng thống Nga khi đó Dmitry Medvedev.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên này, đại sứ Kislyak tập trung nhiệm vụ vào vấn đề kiểm soát vũ khí. Cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, ông Steven Pifer hồi tưởng: “Đại sứ Kislyak là người rất thông thái. Ông ấy nói tiếng Anh trôi chảy và có khiếu hài hước”. Ông Pifer đồng thời nhấn mạnh đại sứ Kislyak vô cùng trung thành với nước Nga.
Ông Kislyak còn được tín nhiệm đảm nhận vị trí đại sứ Nga tại NATO từ năm 1998, sau đó là Thứ trưởng Ngoại giao Nga từ năm 2003.
Đến năm 2008, ông Kislyak lại quay trở lại Mỹ đảm nhiệm vai trò đại sứ, không lâu sau đó ông Barack Obama đắc cử vị trí Tổng thống thứ 44. Trước khi rời nhiệm sở, ông Obama đã có quyết định phần nào gây căng thẳng quan hệ Washington-Moskva, đó là trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga.
Cựu nhân viên phụ trách Nga của Lầu Năm Góc, bà Evelyn Farkas chia sẻ rất ngưỡng mộ ông Kislyak. Bà Farkas cho biết khi đối đầu với tranh cãi về chính sách, đại sứ Kislyak luôn tỏ ra là một quý ông không dễ lay chuyển.
Ngoài ra, có nhiều thông tin khẳng định đại sứ Kislyak luôn được coi là một trong những nhân vật tài ba nhất trong cộng đồng ngoại giao ở Washington.
Theo Hà Linh - Báo Tin tức/Guardian/New York Times