loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vài giờ sau khi dự thảo thỏa thuận về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, lần thứ hai bị Hạ viện bác bỏ, ngày 12/3, người phát ngôn của Thủ tướng Theresa May cho biết bà May hiện không có kế hoạch tiến hành thêm các cuộc đàm phán với EU về các điều khoản "ly hôn".
Chính phủ Anh thông báo không thể đạt được thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với một số đối tác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ... trước ngày 29/3, khi Brexit chính thức diễn ra.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn trên cho biết Thủ tướng May đã nói rằng việc dự thảo thỏa thuận Brexit tiếp tục nhận thất bại đồng nghĩa Quốc hội sẽ có cơ hội bỏ phiếu đối với phương án rời khỏi EU mà không có thỏa thuận và các nghị sĩ có quyền tự do lựa chọn để đưa ra quyết định của mình thay vì theo ý nguyện của các đảng phái. Nữ Thủ tướng Anh cũng sẽ bắt đầu xem xét về lựa chọn của mình trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 13/3 về phương án "Brexit cứng".
Trong khi đó, ông Nigel Dodds, người đứng đầu nhóm nghị sĩ đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh, cho rằng lập trường đàm phán của Anh sẽ yếu đi nếu loại bỏ phương án rời EU mà không có thỏa thuận. Ông nhấn mạnh cách tốt nhất để đạt được "một thỏa thuận tốt" và để có một thỏa thuận thực sự nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Anh là chính phủ nước này cần giữ nguyên lập trường cứng rắn và thể hiện việc sẵn sàng chấp nhận kịch bản "Brexit cứng" trong các cuộc đàm phán.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney đã bày tỏ thất vọng trước việc dự thảo thỏa thuận Brexit sửa đổi một lần nữa không được thông qua tại Hạ viện Anh. Ông nhấn mạnh: "Hiện là lúc chúng ta cần kiên nhẫn và bình tĩnh để cho phép tiến trình này tại Westminster (nơi đặt Tòa nhà Nghị viện Anh) diễn biến theo cách tự nhiên".
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo về khả năng cao xảy ra viễn cảnh "Brexit cứng" sau khi Hạ viện Anh bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit giữa Thủ tướng May và giới lãnh đạo EU. Ông nêu rõ: "Với quyết định này (của Quốc hội Anh), chúng ta đang tiến gần tới một viễn cảnh không thỏa thuận". Mặc dù nói rằng Đức đã chuẩn bị cho các tình huống tồi tệ nhất có thể, song Ngoại trưởng Maas vẫn bày tỏ hy vọng Anh có thể tránh một kịch bản rời EU mà "không có trật tự" trong 17 ngày tới. Quan chức này cũng cho rằng cả Anh và EU hiện tại cần tập trung vào việc xác định mối quan hệ tương lai hậu Brexit.
Trước đó cùng ngày, với với tỉ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã lần thứ hai bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đã đạt được với EU. Đồng bảng Anh đã lao dốc ngày 12/3, trong bối cảnh tiến trình Brexit tiếp tục trở nên khó đoán định. Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng Anh được giao dịch ở mức 1,3062 USD/bảng so với mức 1,3150 USD/bảng trong phiên ngày 11/3. Trong khi đó, chứng khoán London giao dịch trong sắc xanh trước sự suy yếu của đồng bảng Anh, với chỉ số FTSE 100 tăng 0,3% lên 7.151,15 điểm.
Hiện đang có rất nhiều kịch bản được đặt ra sau diễn biến mới nhất trên. Dự kiến, ngay trong ngày 13/3, Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu để về việc rời khỏi "mái nhà chung" EU mà không có thỏa thuận. Mặc dù bà May đã tuyên bố để các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ tự do lựa chọn nhưng gần như chắc chắn Hạ viện Anh sẽ bác bỏ phương án "không thỏa thuận", bởi chính cơ quan này đã bỏ phiếu phản đối phương án này hồi cuối tháng 1 vừa qua. Do đó, giới phân tích nhận định nhiều khả năng các nghị sĩ sẽ lại bỏ phiếu lựa chọn việc rời EU mà có thỏa thuận trong ngày 13/3.
Điều này lại dẫn tới một cuộc bỏ phiếu tiếp theo, vào ngày 14/3, là liệu nước Anh có muốn gia hạn thời điểm thực thi Brexit, dự kiến vào ngày 29/3 hay không. Nếu kết quả là "không", nước Anh sẽ quay lại phương án rời EU mà không có thỏa thuận. Nếu "có", Chính phủ của Thủ tướng May sẽ phải đề xuất với EU về gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon. Đây là kịch bản được giới chuyên gia nhận định là khả thi nhất song cũng kéo theo nguy cơ những bế tắc xoay quanh tiến trình Brexit sẽ còn kéo dài.
Phương Oanh/TTXVN
loading...