loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 9/7 công bố di tích bến tàu Valongo thuộc khu vực cảng Rio de Janeiro, nơi đặt chân đầu tiên tới Brazil của những người nô lệ đến từ châu Phi, đã được bình chọn là một trong nhiều Di sản Thế giới mới năm 2017.
Tại cuộc bầu chọn được tổ chức ở Krakow, Ba Lan, UNESCO nhấn mạnh Valongo là một chứng tích lịch sử quan trọng gợi nhắc quá khứ, trong đó ước tính có khoảng 900.000 người châu Phi đã được đưa tới bến tàu đá cổ này dưới hình thức buôn bán nô lệ bắt đầu từ năm 1811.
Sử gia Katia Bogea, người đứng đầu Viện Di sản quốc gia Brazil (IPHAN) bày tỏ vui mừng, nhấn mạnh Valongo xứng đáng với sự tôn vinh của UNESCO khi gợi nhắc về một phần quá khứ không thể nào lãng quên của nhân loại.
Sau quá trình phát triển và mở rộng thủ đô Rio de Janeiro, bến tàu Valongo ngày nay không còn nằm trên mặt nước mà nằm sâu trong đất liền của Brazil. Những dấu tích còn sót lại của danh thắng này đã được tìm thấy vào năm 2011 sau khi giới chức Brazil tiến hành các công trình quy mô lớn nhằm tân trang khu vực cảng này cho Olympics Rio 2016.
Được xây dựng vào năm 1811, bến tàu Valongo nằm giữa phố Coelho e Castro và Sacadura Cabral, thuộc tiểu bang Rio de Janeiro. Đây là nơi neo đậu và buôn bán nô lệ châu Phi cho đến năm 1831, sau khi lệnh cấm Buôn bán nộ lệ xuyên Đại Tây Dương có hiệu lực. Tuy nhiên, nơi đây vẫn có các hoạt động buôn bán bí mật cho đến tận năm 1888.
Với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú như những bãi biển cát trắng trải dài hay rừng mưa trong lòng đô thị, Rio de Janeiro của Brazil, còn được biết đến là 'Thành phố Kì diệu'.
Trước đó, cùng ngày, cũng trong cuộc bỏ phiếu thường niên bình chọn 33 danh thắng, UNESCO cũng đã tôn vinh thêm nhiều địa danh vào danh sách Di sản Thế giới mới gồm Khu vực Hồ (Lake District) của Anh với vẻ đẹp hoang sơ; khu công sự Works of Defence ở Venice của Italy được xây dựng từ thế kỷ 15 đến 17; quần thể 6 hang động thuộc bang Baden Wuerttemberg, miền Tây nước Đức; các mỏ khai thác bạc cổ ở Tarnowskie Gory miền Nam Ba Lan; 4 danh thắng ở Croatia gồm các bức tường cổ của thị trấn Zadar, Pháo đài St. Nicolas ở thị trấn Sibenik, Công viên quốc gia Paklenica và khu rừng sồi đặc biệt tại miền Bắc Velebit vốn trải dài trên lãnh thổ của 12 quốc gia.
Tại châu Á, các danh thắng được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới mới năm nay gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Hoh Xil trên cao nguyên Tây Tạng và đảo Gulanyu xinh đẹp thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian) đều thuộc Trung Quốc; Khu phức hợp đền thờ Sambor Prei Kuk của Campuchia; hòn đảo chỉ tồn tại sự sống của nam giới Okinoshima, cùng 3 bãi đá ngầm lân cận, và các đền thờ Kyushu, Munakata Taisha đều ở Nhật Bản; và thành phố lịch sử Ahmedabad thuộc bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ...
TTXVN
loading...