loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cơn sốt vàng diễn ra tại Sao Jose gần sông Tapajos thuộc vùng Amazon của Brazil đã thu hút vô số người dân nước này tìm tới, với tham vọng đổi đời nhờ vàng. Nhưng thực tế không như họ nghĩ.
Trong khi chỉ một số ít người trở nên giàu có, hầu hết những garimpeiros (thợ đào vàng) đã mắc kẹt với cuộc sống khó khăn và không thể tìm ra lối thoát.
Một số công ty đa quốc gia đã tìm tới khu vực Sao Jose ở Amazon, đẩy những garimpeiros vốn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Trò chơi của vận may
Những năm gần đây, dù cơn sốt vàng đã không còn nóng nữa, không ít người vẫn bám trụ lại những mỏ vàng được xây dựng với công nghệ ra đời từ hàng chục năm trước.
Đa số những garimpeiros ngày nay vẫn còn sử dụng công nghệ đãi vàng lạc hậu. Họ thường chỉ đào sâu xuống lòng đất rồi quan sát bằng mắt thường để tìm những quặng vàng lấp lánh, trước khi bắt đầu sàng lọc.
Nhiều garimpeiros vẫn tìm tới vùng Amazon đào vàng với hy vọng vận may sẽ mỉm cười
Công việc này vừa đầy may rủi, vừa cực kỳ mệt nhọc do không thể dự đoán trước được mỏ quặng nào chứa nhiều vàng nguyên chất. Nhưng với không ít người, công việc này vẫn đầy cám dỗ, như việc đến một sòng bạc vậy.
"Có lúc bạn sẽ tìm kiếm được đúng khu vực chứa nhiều quặng vàng, nhưng có những lúc bạn sẽ chẳng tìm thấy gì cả trong suốt một thời gian dài" - một thợ mỏ giấu tên thú nhận, cho biết niềm hy vọng là thứ duy nhất mà các garimpeiros đến đào vàng ngày qua ngày.
Từ ngày có bãi vàng ở Sao Jose, các garimpeiros đã xây dựng cả một ngôi làng riêng của họ, tạo nên cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Việc giao thương buôn bán bằng tiền mặt được chấp nhận, nhưng phần lớn chỉ giao dịch với nhau bằng một thứ tiền tệ quan trọng nhất là vàng.
Giá cả trong làng đặc biệt đắt đỏ. Các thương gia thường tính phí lên tới 5 USD cho một cân hành hoặc đổi lấy vàng với tỉ lệ 1 gram cho mỗi cân. Từ thực phẩm cho đến quần áo, giày dép phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, tất cả đều có thể được đổi bằng vàng.
Nhiều garimpeiros đến Sao Jose với mong muốn kiếm được ít vàng thay đổi cuộc sống và sẽ trở về nhà. Tuy nhiên, hầu hết thợ vàng sau đó đều ở lại lâu dài. Trong quá khứ, họ từng bắn giết lẫn nhau để giành lấy địa bàn hoạt động. Một người dân ở Sao Jose kể: "Khi tôi đến đây vào năm 1986, hàng ngày đều có những người bị bắn chết. Ngày nay, cuộc sống đã trở nên yên bình hơn nhưng tham vọng tìm kiếm vàng vẫn không hề thay đổi".
Tại nơi các garimpeiros tập trung sinh sống, vàng được dùng thay tiền mặt trongthanh toán
Tương lai u ám
Kể từ năm 2010, chính phủ Brazil đã tuyên bố hợp pháp hóa các mỏ vàng trong khu vực Amazon. Các công ty đa quốc gia được cấp giấy phép khai thác, đẩy những garimpeiros ra khỏi nơi mà họ đã sinh sống trong hàng chục năm. Việc này đã tạo ra tình trạng đối đầu.
Điển hình là vụ đụng độ giữa các thợ đào vàng và công ty khai thác Ouro Roxo Participacoes ở khu mỏ Paxiuba. Cảnh sát đã xua đuổi các garimpeiros ra khỏi khu vực họ kiếm sống, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, họ trở lại với hy vọng được tiếp tục khai thác vàng.
Đại diện của các garimpeiros là Jose Gilmar de Araujo bày tỏ lo lắng về tương lai: "Chúng tôi sẽ không đi đâu hết, cuộc sống của chúng tôi đã gắn bó ở đây". Tuy nhiên đã 3 năm trôi qua và các garimpeiros vẫn chưa có quyền khai thác hợp pháp khu mỏ Paxiuba.
Ngày 12/6 vừa qua, các garimpeiros đã chính thức giành lấy khu mỏ một cách bất hợp pháp. "Chúng tôi đã đặt cả số phận vào khu mỏ. Chúng tôi không còn biết làm gì khác" - Jose nói.
Ngay lập tức Ouro Roxo Participacoes đã lên tiếng cầu cứu Chính phủ Brazil. Theo giới quan sát, nếu Chính phủ Brazil không có các biện pháp can thiệp, các garimpeiros pử Paxiuba sẽ để lại một tiền lệ xấu, khiến cho cộng đồng khai thác vàng ở những khu vực khác tại Amazon đứng lên đòi quyền lợi.
Và trong khi chính quyền chưa có giải pháp dung hòa lợi ích đôi bên, cuộc sống của các garimpeiros sẽ vẫn rất u ám. Đa số người dân khai thác nghèo sẽ lại hoàn nghèo. Số vàng kiếm được rồi cũng rót cả vào rượu, ma túy, gái điếm... và những bất ổn hình thành từ các điểm tệ nạn này chắc chắn sẽ khiến chính quyền phải gánh chịu hậu quả trực tiếp.
Hồng Đăng (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
loading...