A+ A A- Kiểu đọc sách

Trung Quốc tăng tốc phát triển vaccine đặc biệt cho biến thể Delta

21:00 17/08/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/8, tờ Global Times của Trung Quốc cho biết một viện nghiên cứu ở thành phố Vũ Hán (Wuhan) thuộc Tập đoàn công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG) - chi nhánh của hãng dược Sinopharm, đã cô lập thành công biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và đang đẩy nhanh quá trình phát triển liều vaccine đặc biệt để chống lại biến thể đang lây lan mạnh trên toàn cầu này. Thông tin mới được giám đốc viện trên, chuyên gia Duan Kai, xác nhận với truyền thông.

 WHO sẽ tiến hành đánh giá hai loại vaccine Sinopharm, CoronaVac để đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp

WHO sẽ tiến hành đánh giá hai loại vaccine Sinopharm, CoronaVac để đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 9/4, một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các loại vaccine Trung Quốc Sinopharm và CoronaVac (Sinovac) đang trong giai đoạn đánh giá cuối cùng để đưa vào sử dụng khẩn cấp theo quy trình của tổ chức này.

Đầu tháng này, thành phố Vũ Hán, nơi đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 vào cuối năm 2019, cũng đã phát hiện ca bệnh nhiễm biến thể Delta đầu tiên sau khoảng 1 năm không ghi nhận ca mắc mới nào. Trao đổi với thepaoer.cn, chuyên gia Duan Kai cho biết với sự hỗ trợ của giới chức sở tại, viện đã nhanh chóng cô lập được biến thể Delta sau khi thành phố ghi nhận ca mắc vào ngày 2/8 vừa qua.

Hiện các chuyên gia của viện đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu về biến thể này và nỗ lực sớm hoàn tất các nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng và xin cấp phép sử dụng khẩn cấp sớm nhất có thể.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Sinopharm tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo chuyên gia này, các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III với loại vaccine COVID-19 do viện phát triển cho thấy vaccine có hiệu quả bảo vệ toàn diện là 72,51% với tất cả các đối tượng tiếp nhận và có hiệu quả bảo vệ 100% trước nguy cơ bệnh tiến triển nặng và vừa với mọi bệnh nhân được xác nhận mắc COVID-19 sau khi tiêm. Tất cả các tình nguyện viên sau khi được sử dụng vaccine đều sản sinh ra lượng kháng thể ở mức cao.

Chuyên gia Duan cũng kêu gọi người dân đi tiêm vaccine phòng bệnh, đồng thời khẳng định việc tiêm phòng trên diện rộng đã giúp Vũ Hán nhanh chóng khống chế được bùng phát dịch mới nhất. Về lâu dài, Giám đốc Duan Kai cũng cho rằng cần phải tiêm một mũi vaccine tăng cường để nâng cao hiệu quả của vaccine trước những biến thể của virus. Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học Vũ Hán đặt mục tiêu sản xuất từ 80-100 triệu liều vaccine/tháng để đáp ứng nhu cầu và mới đây đã thiết lập những dây chuyền được thiết kế để sản xuất 1 tỷ liều vaccine/năm.

Theo chuyên gia này, cần phải tiêm phòng cho 70-80% dân số mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng trước COVID-19. Tỷ lệ tiêm phòng cao ở nhóm nguy cơ lây nhiễm cao là yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo vệ những người không thể tiêm, ví dụ như những người có những bệnh mãn tính nghiêm trọng hoặc suy giảm miễn dịch. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến ngày 12/8, hơn 777 triệu người dân Trung Quốc đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

Lê Ánh (TTXVN)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...