(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo "Liên hợp Buổi sáng" (Singapore), sau nhiều lần thông báo, tàu khu trục Mỹ USS Lassen được trang bị tên lửa dẫn đường cuối cùng cũng đã thực hiện hoạt động tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông mà không vấp phải sự ngăn cản mạnh mẽ nào từ Bắc Kinh.
Tàu khu trục gắn tên lửa định hướng USS Lassen của hải quân Mỹ
Giới học giả Singapore cho rằng căn cứ vào luật biển quốc tế, các đảo nhân tạo không được hưởng "quy chế vùng lãnh hải 12 hải lý" nên hoạt động của tàu khu trục Mỹ USS Lassen không xâm phạm lợi ích an ninh và chủ quyền của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng thiếu các căn cứ pháp lý để yêu cầu tàu chiến Mỹ ra khỏi khu vực này. Do vậy, khả năng xảy ra đối đầu giữa các chiến hạm của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông là rất thấp.
Sau hoạt động tuần tra vừa qua, giới chức Mỹ nói rằng các tàu chiến của nước này sẽ tiếp tục "đi lại" trong khu vực 12 hải lý thuộc các bãi đá ở Biển Đông và coi đây là "hoạt động bình thường" trong thời gian tới. Việc Trung Quốc sẽ đối phó với các hành động này của Mỹ như thế nào đang thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trước đó có thông tin cho rằng, tại "Diễn đàn Hương Sơn" tổ chức hồi trung tuần tháng 10 này ở Bắc Kinh, trong một cuộc thảo luận nhóm kín, một quan chức quân đội Trung Quốc đã nói rõ rằng: nếu các tàu chiến Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, Trung Quốc nhất định sẽ phải phản ứng. Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 27/10 đã tiết lộ một số thông điệp: Trước hết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án Mỹ đe dọa lợi ích an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, song không gọi đây là hành động phi pháp xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh sẽ "thực hiện việc giám sát, theo dõi và cảnh báo tàu chiến Mỹ theo quy định", đồng thời tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình khu vực này để có các biện pháp đối phó cần thiết.
Truyền thông Trung Quốc ngày 27/10 cũng bắt đầu chiến dịch tăng sức ép dư luận đối với Mỹ. Hãng tin Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, có bài bình luận lên án những hành động mang tính "vũ lực" của Mỹ ở Biển Đông khi cho rằng "các hành động khiêu khích kiểu này" là "vô trách nhiệm" đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" có bài xã luận chỉ ra rằng "chúng ta cảm thấy không thấy thoải mái như thế nào thì sẽ khiến cho các tàu quấy rối của Mỹ phải hứng chịu những sự không thoải mái như vậy". Tờ báo này còn ngang nhiên đề xuất Trung Quốc nên thực hiện quấy rối trở lại đối với các tàu chiến Mỹ, và nếu tàu chiến Mỹ dừng lại lâu trong vùng biển này, sẽ tiến hành "gây nhiễu điện tử, thậm chí sử dụng tàu chiến thực hiện các vụ va chạm, sử dụng radar, tên lửa để kiểm soát cũng như phái máy bay quân sự kiểm soát phía trên các tàu chiến Mỹ".
Giới học giả được báo "Liên hợp Buổi sáng" phỏng vấn đều cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không vì việc tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà để xảy ra xung đột quân sự. Phó Giáo sư Lý Minh Giang - thuộc trường Quan hệ quốc tế, Đại học Công nghệ Nanyang - cho rằng theo luật biển quốc tế, các bãi đá Subi, Vành Khăn, Vĩnh Thử (do Trung Quốc chiếm giữ trái phép của Việt Nam) không có vùng lãnh hải 12 hải lý. Tàu chiến Mỹ có quyền đi lại tự do trong vùng biển 12 hải lý quanh bãi đá Subi. Từ góc độ luật pháp, Trung Quốc không có đủ chứng cứ để ngăn cản các tàu chiến của Mỹ.
Ông Lý Minh Giang cho rằng nếu chính phủ Trung Quốc có thể giải thích rõ luật biển quốc tế cho người dân trong nước thì sẽ làm cho người dân hiểu được các hành động của tàu chiến Mỹ. Mặc dù về mặt thể diện, điều này có thể bị ảnh hưởng song trên thực tế không làm tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc và càng có lợi cho Trung Quốc trong việc đối phó với các hành động của Mỹ. Ông Lý Minh Giang nhấn mạnh: "Mỹ đưa tàu chiến đến khu vực không phải là để đánh nhau, cũng không phải để tạo ra va chạm nên Trung Quốc không nên có các hành động để tạo ra xung đột quân sự".
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Xu Guangyu của Trung Quốc cho rằng đối với các hoạt động lâu dài của Mỹ ở khu vực này (tương tự hoạt động ngày 27/10 vừa qua), Trung Quốc đã có chuẩn bị đối phó, bao gồm theo dõi lâu dài, ghi lại số lần, số lượng tàu chiến Mỹ đi vào khu vực để làm căn cứ cho các cuộc đàm phán trong tương lai hoặc các vấn đề liên quan. Ông này cho biết thêm: "Đối với các trường hợp Mỹ có các hành động khiêu khích quá mức, Trung Quốc sau khi cảnh báo sẽ đưa tàu chiến ra để đuổi tàu Mỹ".
TTXVN