'Trùm khủng bố' sánh ngang Bin Laden muốn công khai hoạt động tại Afghanistan
(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 40 năm ở trong bóng tối để tiến hành chiến tranh, một trong những lãnh chúa nổi tiếng nhất Afghanistan, bị Mỹ xem là "gã khủng bố toàn cầu" và LHQ đưa vào danh sách đen cùng nhóm với Osama Bin Laden, đã gây chú ý khi muốn bước ra ánh sáng tại Afghanistan.
- Lo ngại khủng bố, các máy bay Nga sẽ 'tự phục vụ'
- Bỉ 'câu' khủng bố ở thủ đô, tóm gần 20 tên
- Rùng mình với căn phòng những tên khủng bố Paris dùng làm nơi cố thủ
Người đàn ông khiến dân Kabul ớn lạnh
Tuy nhiên các điều kiện mà ông ta nêu ra với chính quyền Kabul rất khó chấp nhận, như việc rút toàn bộ quân nước ngoài ra khỏi Afghanistan và tổ chức bầu cử mới trong năm 2016.
Hòa bình có thể được thiết lập và các cuộc chiến đấu có thể chấm dứt một khi hoạt động chiếm đóng kết thúc, các lực lượng nước ngoài rời đi và nhân dân Afghanistan được quyền lựa chọn định mệnh của mình và thiết lập sự lựa chọn riêng của họ về bộ máy chính quyền" - ông ta tuyên bố.
Các bình luận đã phản ánh nỗ lực của Hekmatyar trong việc gây ảnh hưởng và tìm đòn bẩy mới trong nền chính trị Afghanistan. Chúng được gửi tới AP trong tuần này, sau khi được ông ta ghi hình từ nơi ẩn náu, có khả năng nằm đâu đó tại Pakistan. Tuy nhiên chính quyền Afghanistan có chấp nhận ông ta hay không lại là câu chuyện khác.
Có thể nói, dân Afghanistan, đặc biệt là Kabul, vẫn còn rùng mình mỗi khi nhắc tới tên Hekmatyar. Thời nội chiến Afghanistan, các mujahedeen dưới quyền Hekmatyar đã cố tình nã pháo liên tục vào Kabul, khiến vô số nạn nhân thiệt mạng.
Những kẻ này mặc sức bắt cóc, tra tấn, sát hại vô số dân thường, với dân thủ đô là mục tiêu ưu tiên giết chóc. Chúng thực hiện nhiều trò man rợ, như đổ dầu nóng lên một thi thể mới bị chặt đầu để thi thể co quắp lại một cách không tự nhiên.
Cá nhân Hekmatyar theo đường lối Hồi giáo cứng rắn. Thời kỳ trước đây, ông ta khét tiếng vì thích tạt axít vào mặt những người phụ nữ không đeo mạng che mặt. Ông ta cũng được biết tới như kẻ thường xuyên đổi bên liên minh.
Giai đoạn đầu, ông ta hợp lực với các lãnh chúa khác ở Afghanistan chống quân đội Liên Xô và đổi lại được thưởng hàng triệu đô la tiền mặt, rất nhiều vũ khí do Mỹ cấp. Sau đó, ông ta quay sang chống lực lượng Taliban.
Không phải là giải pháp cho Afghanistan
Hekmatyar đã có 2 lần ngồi ghế Thủ tướng Afghanistan. Nhưng sau đó, con đường chính trị của ông ta lao dốc nhanh chóng. Hekmatyar đã phải chứng kiến đảng Hezb-i-Islami do mình lập ra vào năm 1969 đổ vỡ và bỏ rơi ông ta. Lịch sử sau đó đã gạt Hekmatyar sang bên lề và nhà phân tích chính trị Haroun Mir hiện coi ông ta như một lực lượng chính trị đã "không còn sức mạnh".
"Thời chiến tranh Afghanistan, chúng ta không thể bác bỏ vị trí của ông ta như một nhà lãnh đạo lớn" - Mir nói. Nhưng theo ông, dù Hekmatyar xem bản thân như một phần của hoạt động đối thoại ở Afghanistan, ông ta lại sống trong một thế giới khác hẳn và không nhìn thấy các vấn đề thực tại".
Theo thời gian, Hekmatyar vẫn cố gắng thu hút sự chú ý của dư luận. Năm 2007, Hekmatyar tuyên bố với hãng tin CNN rằng các chiến binh của ông ta giúp trùm khủng bố Osama Bin Laden tẩu thoát khỏi Afghanistan cách đó 5 năm. Tháng 1/2010, ông ta vẫn được xem là một trong ba thủ lĩnh phiến loạn lớn nhất tại Afghanistan.
Tuy nhiên ông ta gây chú ý chỉ vì bỏ ngỏ khả năng đối thoại với chính quyền, đi ngược quan điểm của thủ lĩnh Taliban Mullah Omar và một thủ lĩnh phiến loạn khác là Sirajuddin Haqqani.
Đầu năm nay, Hekmatyar tiếp tục gửi một sứ giả tới Kabul để gặp gỡ các quan chức Afghanistan và đề nghị được trở thành một người trung gian đối thoại. Hekmatyar tuyên bố về một "cuộc đối thoại rộng khắp đất Afghanistan", sẽ không cần tới vai trò của Pakistan, nước đã đóng vai trò chung gian chủ chốt cho các cuộc đàm phán giữa Taliban và Afghanistan. "Nếu nước Mỹ và chính quyền Kabul muốn hòa bình thì đây là con đường duy nhất" - Hekmatyar nói.
Hiện người ta chưa rõ dưới trướng Hekmatyar có bao người. Lần cuối nhóm của ông này, lực lượng Hezb-i-Islami Gulbuddin, tiến hành tấn công là vào năm 2013, khiến ít nhất 15 người chết, gồm 6 lính Mỹ. Theo nhà phân tích an ninh Afghanistan Ali Mohammad Ali, Hekmatyar giờ chắc chắn không còn điều hành một đội quân tư nhân nữa, vì phần lớn người của ông ta đã gia nhập Taliban hoặc các nhóm chiến binh khác, gồm lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Điều đó khiến ông ta không còn ảnh hưởng và đề xuất của ông ta khó có thể gây chú ý. "Người dân Afghanistan và chính quyền nước này sẽ không bao giờ chấp nhận các đề xuất của ông ta" - Ali nói - "Ông ta đã mất hết uy tín".
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa