A+ A A- Kiểu đọc sách

Trận 'so găng' mở màn giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump

09:20 27/09/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa bà Hillary Clinton và Donald Trump nhiều khả năng sẽ trở thành thời điểm mấu chốt định hình cho cuộc đua vào Nhà Trắng.

Sau gần hai tháng khá yên ắng kể từ sau đại hội toàn quốc của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đời sống chính trị nước Mỹ lại được hâm nóng trở lại khi mọi ánh mắt đổ dồn vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống của hai đảng lớn nhất nước này tổ chức vào tối 26/9 (sáng 27/9 theo giờ Việt Nam) tại trường Đại học Hofstra ở thành phố New York. Cuộc tranh luận được dự báo sẽ thu hút con số kỷ lục khoảng 100 triệu người theo dõi trực tiếp qua các kênh truyền hình.

Cho dù đây mới chỉ là màn đầu tiên trong ba cuộc tranh luận trực tiếp giữa ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa (lần tiếp theo vào các ngày 9 và 19/10), nhưng nhiều khả năng sẽ trở thành thời điểm mấu chốt định hình cho cuộc đua vào Nhà Trắng vì những gì mà hai ứng viên thể hiện trong lần đầu tiên đối diện nhau trên cùng một sân khấu sẽ gây ấn tượng rất mạnh đến các cử tri Mỹ, đặc biệt là những người còn băn khoăn chưa biết bỏ phiếu cho ai.

Các khán giả không chỉ quan tâm đến những nội dung được đề cập đến trong cuộc tranh luận, mà còn ở cách phát ngôn những nội dung đó và phản ứng của ứng cử viên này với ứng cử viên kia thế nào. Theo đánh giá, các ứng cử viên một mặt phải đem hết sở trường ra thi thố, mặt khác phải hết sức cẩn trọng trong từng "lời ăn, tiếng nói" vì chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ để lại hậu quả khó lường và thậm chí phải "ôm hận".


Ứng viên Donald Trump và Hilalry Clinton sẽ có buổi tranh luận trực tiếp vào ngày mai.

Trong cuộc tranh luận dự kiến kéo dài 90 phút do người dẫn chương trình tin tức “Nightly News” của đài NBC, ông Lester Holt điều phối, các ứng cử viên sẽ tập trung trình bày quan điểm cá nhân trên 3 chủ đề chính: hướng đi tương lai của nước Mỹ, làm thế nào để đạt được sự thịnh vượng và bảo đảm an ninh cho đất nước.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh tại nước Mỹ trong thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố cũng như các vụ bạo lực nhuốm màu phân biệt chủng tộc đã khiến an ninh trở thành vấn đề “nóng” hàng đầu và các ứng cử viên dự kiến sẽ dành 1/3 thời lượng để tranh luận trực tiếp về chủ đề này.

Trước khi bước vào màn "so găng" trực tiếp trên, dư luận đánh giá bà Hillary Clinton đang có lợi thế đôi chút so với đối thủ Donald Trump khi vẫn duy trì ưu thế dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng với khoảng cách ngày càng sít sao.

Theo đánh giá của giới phân tích, mỗi ứng cử viên đều có điểm mạnh, điểm yếu của mình. Kết quả thăm dò ý kiến cử tri của tờ Washington Post cho thấy tỷ phú Trump đang dẫn trước bà Clinton trong các vấn đề kinh tế và chống khủng bố, trong khi bà Clinton được đánh giá cao hơn trong các vấn đề chính sách đối ngoại, nhập cư và an sinh xã hội.

Theo kết quả thăm dò chung do báo Washington Post và hãng tin ABC công bố ngày 25/9, tức là chỉ 1 ngày trước khi diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên, bà Clinton nhận được 46% số phiếu ủng hộ so với 44% của ông Trump. Kết quả thăm dò của trang "Politico" cũng cho kết quả tương tự. Ông Trump dẫn trước tại bang Ohio và bang Florida, trong khi bà Clinton tiếp tục dẫn trước tại các bang “chiến địa” như Virginia và Pensylvania.

Theo đánh giá, sự chênh lệch khá sít sao giữa hai ứng cử viên rất có thể sẽ thay đổi nếu bà Clinton không tận dụng được ưu thế kinh nghiệm chính trường, trong khi ông Trump có thể tiếp tục gây bất ngờ bởi sự khó lường. Theo giới quan sát, bà Clinton đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc tranh luận như một cơ hội để trấn an những người ủng hộ bà và để đẩy mạnh thông điệp là muốn xây dựng một nền kinh tế với cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người.

Còn đối với tỷ phú Trump, khẩu hiệu đưa nước Mỹ "hùng mạnh trở lại", "an toàn trở lại" và "vĩ đại trở lại” chắc chắn sẽ được ông nhắc tới nhiều lần trong cuộc tranh luận tới. Ngoài ra, ông Trump hứa sẽ làm nhiều hơn cho phụ nữ nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng, chứ không chỉ “nói suông” như đối thủ Clinton.

Dư luận cho rằng cuộc tranh luận sẽ là một thời điểm quan trọng với ông Trump sau khi ứng viên này đã thu hẹp được cách biệt với bà Clinton trong các cuộc thăm dò dư luận trong 2 tháng qua, một phần là do ông đã tỏ ra kỷ luật hơn trong những phát ngôn so với trước đó và biết tận dụng cơ hội để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri khi công kích bà Clinton về vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử cá nhân để xử lý việc công trong thời gian giữ chức ngoại trưởng.

Ngoài ra, ông cũng đặt ra các nghi vấn về sức khỏe của bà Clinton sau khi cựu Đệ nhất phu nhân bị choáng và phải bỏ dở lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York.

Nhà tỷ phú nhấn mạnh chỉ có ông mới đủ sức khỏe để đảm đương trọng trách tổng thống của nước Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng nhận được một cú hích khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz, thuộc bang Texas, từng là đối thủ của ông Trump trong cuộc đua giành tấm vé duy nhất đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia tranh cử tổng thống, bất ngờ tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho tỷ phú bất động sản này. Giờ đây, cuộc tranh luận là cơ hội tốt để ông Trump san bằng khoảng cách với đối thủ và vượt lên.

Trước cuộc tranh luận, cả hai ứng cử viên đều tung ra những đòn hỏa mù nhằm "nắn gân" đối phương. Ban vận động tranh cử của bà Clinton tuyên bố sẽ mời Mark Cuban, một tỷ phú đồng thời là đối thủ cạnh tranh kinh doanh của ông Trump, tham gia cuộc tranh luận để phơi bày những "thói hư, tật xấu" của ông trùm bất động sản trên thương trường. Đáp lại, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng sẽ mời Gennifer Flowers, cựu người mẫu xinh đẹp kiêm diễn viên từng có quan hệ “ngoài luồng” với phu quân của bà Clinton, tham gia cuộc tranh luận.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn 6 tuần nữa là tới "ngày phán xét" (8/11) và những gì mà hai ứng cử viên thể hiện trong màn tranh luận trực tiếp sẽ tác động mạnh đến lá phiếu của các cử tri còn đang lưỡng lự. So về kinh nghiệm, bà Clinton hơn hẳn ông Trump vì đến nay, vị tỷ phú này chưa từng tham gia một cuộc tranh luận tay đôi nào, trong khi cựu Ngoại trưởng đã có tới 10 cuộc.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng người đang chịu áp lực vào tối 26/9 chính là bà Clinton chứ không phải ông Trump và màn trình diễn của bà sẽ có ảnh hưởng thực sự đến chiều hướng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Năm sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử “khẩu chiến” tranh cử Tổng thống Mỹ

Những cuộc tranh luận trực tiếp không chỉ cho thấy sức mạnh của truyền hình đối với cuộc đua giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mà còn hé lộ khả năng thất bại của ứng viên dù chỉ mắc phải một sơ xuất nhỏ như trang điểm không kỹ hay vô tình xem đồng hồ..

Năm 1960, Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã mắc sai lầm "định mệnh" khi quyết định từ chối trang điểm khi tham gia cuộc tranh luận lịch sử trên truyền hình với Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John F.Kennedy vào ngày 26/9.

Ông Nixon chỉ bôi một ít bột Lazy Shave để cố gắng che giấu quầng thâm, trông ông ốm yếu và lép vế so với đối thủ trông rám nắng khoẻ mạnh và thoải mái của mình. Những hình ảnh không thể xoá nhoà khiến nhiều người xem truyền hình lựa chọn ông Kennedy, kể cả khi những người nghe đài phát thanh chọn ông Nixon.


Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John F.Kennedy ở New York năm 1960. Ảnh: AP

Thất bại của Nixon đã dẫn tới việc các ứng cử viên tránh các cuộc tranh luận trên truyền hình cho đến năm 1976, khi Tổng thống Gerald Ford chấp nhận đối mặt với cựu Thống đốc bang Georgia Jimmy Carter. Gerald Ford, bị chế nhạo vì thiếu trí truệ, đã sai lầm nghiêm trọng trong cuộc tranh luận ngày 6/10 ở San Francisco, tuyên bố nhầm lẫn khi trả lời câu hỏi về Chiến tranh Lạnh. Kết quả sau đó là ông Ford thất bại và ông Carter chiến thắng với lập luận “nước Mỹ và thế giới cần một lãnh đạo hiểu về tình hình thế giới hơn”.

Nhưng sau đó, ông Carter lại phá hoại chính mình trong cuộc tranh luận với ông Ronald Reagan vào ngày 28/10/1980, ở Cleveland. Trong một cuộc thảo luận về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, Carter cho biết ông muốn "đặt những gì chúng ta đang nói vào đúng hoàn cảnh" - bằng cách trích dẫn một cuộc trò chuyện với con gái Amy, khi đó 13 tuổi của mình.

Trong khi đó, Thống đốc California Reagan đã dùng một câu hỏi để lôi kéo số lượng kỷ lục 80,6 triệu khán giả đang xem truyền hình: “Cuộc sống của bạn có tốt đẹp hơn so với 4 năm trước đây?”. Câu hỏi đó đã giúp ông Reagan chiến thắng và trở thành tổng thống thứ 40 của nước Mỹ.

8 năm sau, vào ngày 13/10/1988, tại Los Angeles diễn ra cuộc tranh luận thứ hai giữa Phó Tổng thống Mỹ George Bush và Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis. Ông Dukakis được hỏi liệu vị trí của ông có thay đổi nếu vợ ông bị cưỡng hiếp và giết hại.

Ứng cử viên Dân Chủ Dukakis đã phản ứng không cảm xúc, đặt câu hỏi về giá trị răn đe của hình phạt tử hình và để cho Bush tấn công về “câu hỏi về giá trị”. Ông Bush đã được lợi từ câu hỏi của nhà báo Bernard Shaw của CNN bởi câu trả lời của ông Dukakis thể hiện ông không có tình cảm và không hiểu biết về chính sách đối nội.

Ông Bush đánh bại ông Dukakis vào tháng 11, nhưng lại thất bại trong sự kiện Town Hall vào năm 1992 trước Bill Clinton. Ông Bush bị bắt gặp xem đồng hồ khi một nữ khán giả hỏi về tác động của nợ quốc gia lên “cuộc sống cá nhân” của các ứng cử viên.

Ông Bush nhiều lần né tránh câu hỏi, và tự “chôn vùi mình” bằng câu nói: “Tôi không hiểu câu hỏi…tôi sẽ cố gắng trả lời nó”. Trong khi đó, ứng viên Dân chủ Bill Clinton nói ông “thấu hiểu nỗi khổ của người dân”. Kết quả là ông Clinton được ủng hộ vì biết chia sẻ với người dân.

TTXVN/ Đoàn Hùng -Trần Minh

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...