(Thethaovanhoa.vn) - Nhân Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chống tham nhũng tại London, báo Libération giới thiệu “Kleptocracy Tour”, tên một tour du lịch độc đáo tại London, mà du khách là nhà báo và nhà hoạt động xã hội. Đích thăm là nơi ở của các đại tỷ phú, bị tình nghi trốn thuế và rửa tiền.
Vấn đề minh bạch tài chính là nội dung chủ yếu của Hội nghị chống tham nhũng tại thủ đô nước Anh, diễn ra ít tuần sau vụ Hồ sơ Panama. Hàng triệu tài liệu được công bố, cho thấy quy mô chưa từng có của các hoạt động cất giấu tiền tại các “thiên đường thuế”, mà một phần khá lớn trong đó thuộc chủ quyền của Vương quốc Anh.
Nhân dịp này, tờ báo trên có bài phóng sự, đưa du khách, gồm có nhà báo, nhà hoạt động xã hội, giảng viên đại học, thậm chí các chính trị gia, đến với một chuyến du lịch đặc biệt “Kleptocracy Tour”, để phần nào mường tượng ra quy mô của thiên đường thuế nằm ngay tại thủ đô nước Anh mà khách hàng chủ yếu là giới tài phiệt, tỷ phú. Theo đó, có tộng cộng 77 vị đại tỷ phú đứng hàng đầu thế giới đang cư trú tại London.
Xe bus chở du khách. Ảnh: The Guardian
Trong số các điểm thăm quan của Kleptocracy Tour có căn hộ của một người Nga, tên Olga Shuvalova, chủ nhân một doanh nghiệp "vỏ bộc" bình phong tại quần đảo Vierges của nước Anh, vừa bị lộ diện trong vụ Panama Papers.
Căn hộ có vị trí nằm ngay sát Phủ Thủ tướng Anh. Ngoài ra, du khách cũng được giới thiệu về một căn hộ nằm trong một ngôi nhà sang trọng khác, thuộc sở hữu của Leonid Fedun, một phó chủ tịch LUKoil, tập đoàn dầu mỏ lớn thứ hai của nước Nga.
Các tỷ phú tại London không chỉ có người Nga. Theo một thống kê của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), 36.342 tài sản bất động sản, với tổng diện tích khoảng 5,7 km2 của Luân Đôn, thuộc về các công ty bình phong, được đặt tại các thiên đường thuế. Danh tính chủ nhân của 10% nhà ở tại khu trung tâm Westminster bị che giấu.
Nhiều bất động sản ở London thuộc sở hữu của người nước ngoài. Ảnh: The Guardian
Trong động thái liên quan đến vấn đề tham nhũng, Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố lên mạng Internet một phần bộ dữ liệu mật trong vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama", bao gồm thông tin liên quan tới rất nhiều cá nhân và tổ chức tại nước ngoài do Công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành.
Dữ liệu trên được đăng trên địa chỉ “www.offshoreleaks.icij.org” vào lúc 18 giờ ngày 9/5/2016 (theo giờ Việt Nam). Đây là một phần của 11,5 triệu tài liệu thuế mật, mà hiệp hội này có được từ tờ nhật báo “Süddeutsche Zeitung” (Nam Đức, SZ) ở Munich, tiết lộ tổng cộng 368.000 cái tên của các cá nhân và 300.000 tổ chức đứng sau các công ty vỏ bọc nặc danh ở nước ngoài.
Trước khi công bố chính thức, chỉ có ICIJ và một nhóm giới hạn các cơ quan truyền thông quốc tế được phép tiếp cận số tài liệu này.
TTXVN/QC