loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích đảng Dân chủ và người đã tiết lộ cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Ukraine về việc điều tra đối thủ chính trị của đảng Dân chủ Joe Biden, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện Mỹ.
Ngày 20/9, bang California và 23 bang khác của nước Mỹ đã khởi kiện Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vì tìm cách hạn chế quyền của các bang này được giới hạn lượng khí phát thải từ ô tô.
Trả lời báo chí khi về tới Washington sau khi dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 ở New York, Tổng thống Trump chỉ trích cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông mà đảng Dân chủ phát động là "một nỗi hổ thẹn" và cần phải bị ngăn chặn. Ông nhấn mạnh "cần có một biện pháp" nhằm chấm dứt cuộc điều tra nhằm vào các cuộc đối thoại giữa ông và Tổng thống Ukraine Voloymyr Zelenskiy, có thể thông qua tòa án.
Ông chủ Nhà Trắng còn cho rằng người tố giác về cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Ukraine "gần giống như một gián điệp". Ông tố cáo người tố giác và những đối tượng cung cấp thông tin cho nhân vật này là những "gián điệp mưu phản", cảnh báo những người này sẽ chịu sự trừng phạt tương tự như nước Mỹ "đã từng làm trong quá khứ" đối với những gián điệp và tội phản quốc.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố đơn khiếu nại của người tố giác Tổng thống Trump lên Tổng thanh tra Cộng đồng tình báo Mỹ liên quan tới cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine hồi tháng 7. Trong cuộc điện đàm, ông Trump được cho đã gây sức ép buộc ông Zelenskiy khởi động cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden.
Theo đơn khiếu nại, người tố giác cho biết đã nhận được thông tin từ nhiều quan chức chính phủ về vấn đề này, đồng thời còn nhấn mạnh các quan chức Nhà Trắng đã can thiệp để "phong tỏa" tất cả các bản ghi chép về cuộc điện đàm, "đặc biệt là bản nguyên văn nội dung cuộc gọi".
Trước thông tin này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Staphanie Grisham cho rằng đơn khiếu nại nói trên "không hơn gì một sự góp nhặt những lời giải trình từ nhiều nguồn khác nhau về các sự kiện và các mẩu tin báo chí ghép lại với nhau". Bà Grisham nhấn mạnh Tổng thống Trump đã công bố một bản ghi thô về cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Ukraine bởi ông chủ Nhà Trắng "không có gì phải che giấu". Quan chức này đồng thời khẳng định Nhà Trắng sẽ "tiếp tục ngăn chặn sự kích động và những thông tin sai lệch phát đi từ đảng Dân chủ và trên phương tiện truyền thông lớn".
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, tờ New York Times dẫn một số nguồn tin cho biết nhân vật tố giác cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Zelenskiy có thể là một nam sĩ quan làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, luật sư Andrew Bakaj của người tố giác đã từ chối xác nhận danh tính cũng như nghề nghiệp của thân chủ, đồng thời cho biết việc công bố bất kỳ thông tin nào cũng sẽ gây nguy hiểm cho người tố giác. Trong khi đó, một luật sư khác của người tố giác là Mark Zaid cho rằng việc công bố thông tin chi tiết về nhân vật này có thể đặt cá nhân trên vào tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng sự an toàn của họ.
Ngày 25/9 vừa qua, Nhà Trắng đã công bố bản gỡ băng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Zelenskiy hồi tháng 7 vừa qua. Theo bản gỡ băng do Bộ Tư pháp cung cấp, ông Trump đã đề nghị ông Zelenskiy điều tra xem có phải ông Biden đã ngăn cản cuộc điều tra một công ty của con trai mình là Hunter Biden hay không. Trong điện đàm, ông Trump đã nói: "Có rất nhiều thông tin về chuyện của con trai ông Biden, và ông Biden đã ngăn cản cơ quan công tố và rất nhiều người muốn tìm hiểu sự thật, vậy sẽ rất tuyệt nếu ông có thể làm gì đó cùng với trưởng công tố...". Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định không gây “bất cứ sức ép nào” đối với Ukraine.
Việc Nhà Trắng công bố bản gỡ băng diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xúc tiến một tiến trình luận tội Tổng thống, và chỉ thị 6 ủy ban xúc tiến điều tra các hành động của Tổng thống. Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội một Tổng thống nếu bị coi là "phạm tội nghiêm trọng và đạo đức xấu". Nhưng trong lịch sử nước Mỹ, chưa có Tổng thống nào phải rời nhiệm sở vì bị luận tội. Phe Dân chủ hiện đang kiểm soát Hạ viện, song phe Cộng hòa của ông Trump đang nắm đa số tại Thượng viện.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được Morning Consult thực hiện, có 43% số người tham gia khảo sát ủng hộ quá trình luận tội Tổng thống. Trong số các cử tri ủng hộ luận tội, 59% cho rằng hành vi của Tổng thống Trump là phạm tội - tỷ lệ đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ khi Morning Consulting bắt đầu đặt câu hỏi tương tự từ tháng 5/2017.
Phương Oanh - Đại Thắng/TTXVN
loading...