A+ A A- Kiểu đọc sách

Tổng thống Đức từ chức vì sảy miệng

11:00 02/06/2010
loading...
(TT&VH) - Nước Đức đang trong một cuộc khủng hoảng chính trị thực sự sau khi Tổng thống Horst Koehler, 67 tuổi,  bất ngờ từ chức. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức hiện đại, một lãnh đạo Nhà nước lại từ bỏ chức vụ trước kỳ hạn. Diễn biến mới sẽ làm suy yếu thêm chính quyền của Thủ tướng Angelar Merkel và châm ngòi cho tranh cãi về sự dính líu của Đức tới cuộc chiến Afghanistan.

Sai một ly, đi sự nghiệp

Ông Horst Koehler , người vừa từ chức
Tổng thống Đức
Nước mắt ướt nhòe, Horst Koehler đã xuất hiện trên truyền hình hôm 31/5 và đọc một tuyên bố ngắn, thông báo rằng ông muốn từ chức Tổng thống.

"Tôi xin từ chức tổng thống liên bang ngay lập tức", Koehler nói – “Tôi đã có vinh dự được phụng sự nước Đức với tư cách Tổng thống. Tôi xin cảm ơn người dân Đức đã đặt niềm tin và ủng hộ tôi trong công việc. Tôi mong các bạn hiểu quyết định của tôi".

Quyết định của Koehler được đưa ra theo sau một cuộc phỏng vấn gây tranh cãi của ông với kênh phát thanh Deutschlandradio, nhân việc kết thúc chuyến thăm quân đội Đức đóng ở Afghanistan hồi đầu tháng. Trong khuôn khổ buổi phỏng vấn, ông đã tuyên bố rằng một đất nước như Đức, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và tự do thương mại, cần sẵn sàng để sử dụng sức mạnh quân đội. Koehler cho rằng phần lớn người dân Đức theo chủ nghĩa hòa bình sẽ phải dần làm quen với việc đất nước họ không còn tránh được chuyện dính líu tới các nhiệm vụ quân sự. Các hoạt động can thiệp quân sự sẽ giúp “bảo vệ lợi ích chung của đất nước, ví dụ như các tuyến đường tự do thương mại hoặc ngăn chặn mất ổn định khu vực, vốn có thể ẩn chứa các tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại, việc làm và thu nhập” ở Đức.

Mục tiêu ban đầu của cuộc phỏng vấn là thuyết phục người Đức rằng quân đội nước này đang ở Afghanistan không chỉ bởi Chính phủ nghe theo lệnh Mỹ hoặc NATO một cách mù quáng mà còn vì các lợi ích cơ bản của quốc gia. Tuy nhiên  những phát biểu không cẩn trọng của Koehler đã được hiểu là khuyến khích “ngoại giao pháo hạm” (chính sách ngoại giao dùng quân sự dọa dẫm nhằm đạt mục đích thương mại), làm cho Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cảm thấy khó xử, đồng thời gây sự chú ý tới hoạt động quân sự của Đức ở Afghanistan.

“Những chỉ trích vào tôi đã đi quá xa”

Ngay sau bài phỏng vấn của Koehler, cả các đối thủ chính trị lẫn thành viên Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của ông đều đã có những phát biểu chỉ trích.

Phe cánh tả cáo buộc Koehler ủng hộ một dạng “ngoại giao hiếu chiến” và phản bội hàng ngàn lính Đức đang đóng quân ở Afghanistan. Jürgen Trittin, lãnh đạo Đảng Xanh, tuyên bố các bình luận của Koehler không phù hợp với Hiến pháp Đức và cáo buộc Tổng thống có “những phát ngôn cường điệu thiếu kiểm soát”. Thành viên liên minh trung hữu cầm quyền của bà Merkel buộc tội ông đã sử dụng từ ngữ thiếu cẩn trọng.

Văn phòng của Koehler thì cho biết tuyên bố của ông đã bị hiểu sai. Theo đó, dù câu hỏi của phóng viên nói về Afghanistan, Tổng thống không có ý định nhắc tới riêng tới quốc gia Trung Á trong câu trả lời của ông mà muốn đề cập tới việc triển khai quân đội Đức ra Ấn Độ dương để bảo vệ tàu buôn chống cướp biển Somalia. Trong thông báo từ chức đưa ra hôm 31/5, Koehler giải thích ông ra đi do có sự thiếu tôn trọng đối với ông và những phát biểu của ông đã bị hiểu lầm. “Những chỉ trích vào tôi đã đi quá xa tới mức người ta đang cáo buộc tôi tội ủng hộ các hoạt động quân sự vi hiến” – Koehler tuyên bố - “Hoàn toàn không có cơ sở nào cho những chỉ trích như vậy”.

Để lại sức ép lên “người đàn bà thép”

Tại Đức, vị trí Tổng thống mang tính danh nghĩa và lễ nghi nhiều hơn. Thủ tướng Angela Merkel là người đứng đầu Chính phủ và nắm các thực quyền. Tuy nhiên việc Koehler từ chức diễn ra trong bối cảnh không luận lợi bởi bà Merkel và liên minh cầm quyền đang vấp phải nhiều chỉ trích trong việc giải cứu Hy Lạp khỏi cảnh nợ nần. 

Trong khi các đồng minh của Đức chỉ trích sự chần chừ của Berlin khiến cuộc khủng hoảng nợ công xuất phát từ Hy Lạp có nguy cơ lan rộng, thì cử tri Đức dọa sẽ "trừng phạt" nếu bà Merkel quyết cứu Athens. Kết quả là Quốc hội Đức vẫn thông qua việc cứu trợ Hy Lạp, song đổi lại, liên minh cầm quyền đã nếm mùi thất bại tại cuộc bầu cử ở tiểu bang Nordrhein Wesfalen do sự “trừng phạt” của cử tri.

CDU có nguy cơ mất quyền lãnh đạo ở bang này và mất thế đa số tại Thượng viện.

Ông Koehler ra đi chỉ chưa đầy một tuần sau khi Roland Koch, Thủ hiến bang Hesse và là một nhân vật lớn trong khối bảo thủ của bà Merkel từ chức.

Giới phân tích đánh giá những sự rơi rụng lãnh đạo này sẽ tạo nên không ít sức ép với “người đàn bà thép” của Đức. "Bà ấy đã mất Koch, giờ lại mất Koehler, người không quan trọng lắm về mặt quyền lực chính trị nhưng lại đóng vai trò biểu tượng và sự ra đi có thể gây nên một chút hoang mang” – nhà khoa học chính trị Nils Diederich thuộc Đại học Free ở Berlin nhận xét - "Nếu không kiểm soát tốt tình hình trong những tuần tới, bà ấy sẽ không thể nắm quyền tới hết nhiệm kỳ”.

Tường Linh

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...