loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ hoãn tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa một phần chính phủ liên bang mà nay đã bước sang ngày thứ 23, dài nhất trong lịch sử nước này.
Tính đến ngày 12/1, một phần Chính phủ Mỹ đã ngừng hoạt động trong 22 ngày liên tiếp, đánh dấu đợt "đóng cửa" chính phủ dài ngày nhất trong lịch sử nước này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News về nguyên nhân chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ngay lập tức để đảm bảo hoạt động của các quỹ mà không cần sự thông qua của Quốc hội, ông Donald Trump khẳng định muốn cho các nghị sĩ Dân chủ thêm thời gian để có thể đạt được thỏa thuận về chi phí 5,7 tỷ USD xây dựng bức tường biên giới với Mexico do ông đề xuất, cũng là vấn đề mấu chốt gây bất đồng giữa phe Cộng hòa và Dân chủ, dẫn tới việc nhiều cơ quan bộ ngành của Mỹ tạm thời đóng cửa do ngân sách hoạt động hết hạn từ ngày 21/12/2018.
Tổng thống Trump nói: "Tôi muốn cho họ cơ hội để xem liệu họ có hành động có trách nhiệm hay không". Ông khẳng định: "Các nghị sĩ đảng Dân chủ có thể giải quyết tình trạng đóng cửa một phần chính phủ trong vòng 15 phút... Tôi đang ở Nhà Trắng và sẵn sàng để ký thỏa thuận".
Ngày 12/1, trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra hàng loạt tuyên bố để bảo vệ lập trường của mình và thúc giục phe Dân chủ nhanh chóng trở lại Washington sau kỳ nghỉ để chấm dứt cái mà ông gọi là "cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất tại biên giới phía Nam".
Trước đó, tại cuộc họp diễn ra ở Nhà Trắng ngày 11/1, Tổng thống Donald Trump cho rằng Quốc hội phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc thông qua ngân sách cho bức tường biên giới. Ông nói: "Nếu họ không thể làm điều này, tuyên bố tình trạng khẩn cấp là cách dễ nhất. Tôi sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tôi hoàn toàn có quyền". Mặc dù vậy, ông Trump cũng thừa nhận rằng một hành động như vậy có thể gây ra một cuộc chiến pháp lý mà chỉ có thể kết thúc tại Tòa án Tối cao.
Những người đối lập cũng cho rằng hành động đơn phương của Tổng thống sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ Hiến pháp và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho những tranh cãi tương tự.
Tranh cãi giữa hai phe trong Quốc hội Mỹ liên quan đến kế hoạch xây dựng bức tường biên giới đã khiến nhiều hoạt động ở Washington tê liệt, tác động đang càng gia tăng trên khắp đất nước, khi Tổng thống Donald Trump không ký thông qua ngân sách cho các khu vực hay bộ máy chính phủ không liên quan đến tranh cãi này.
Giới phân tích cho rằng tình trạng Chính phủ liên bang Mỹ buộc phải đóng cửa một phần có thể sẽ gây thiệt hại 6 tỷ USD cho nền kinh tế, khoản tiền còn lớn hơn cả ngân sách mà ông Trump đề xuất chi cho dự án xây bức tường ở đường biên giới với Mexico. Khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã không được nhận lương mà lẽ ra họ đã được nhận vào ngày 11/1 vừa qua. Ngày 10/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai dự luật giúp khôi phục hoạt động của Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông và nhiều cơ quan chính phủ khác vốn đã phải đóng cửa trong gần 3 tuần qua vì không có ngân sách hoạt động. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát, đã phớt lờ các dự luật này.
Nước Mỹ năm 1995-1996 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đóng cửa một phần chính phủ trong 21 ngày./.
TTXVN
loading...