A+ A A- Kiểu đọc sách

Tổng số ca bệnh Covid-19 trên thế giới vượt 22 triệu, hơn hơn 776 nghìn ca tử vong

08:43 18/08/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 8h sáng 18/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 22 triệu ca bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 776.800 ca tử vong. Hơn 14,77 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 6,48 triệu người đang được điều trị, khoảng 1% trong số này trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.   

Dịch COVID-19 ngày 17/8: Thế giới có hơn 21,8 triệu ca mắc bệnh và hơn 773.855 ca tử vong

Dịch COVID-19 ngày 17/8: Thế giới có hơn 21,8 triệu ca mắc bệnh và hơn 773.855 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 17/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 21,8 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 773.855 ca tử vong.

Như vậy, trong khoảng gần 4 ngày (15-18/8) thì tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng thêm 1 triệu ca từ mức 21 triệu lên 22 triệu. Trước đó, tổng số ca tăng từ 20 triệu lên 21 triệu trong giai đoạn từ 10-15/8.   

Dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại châu Mỹ. Tổng số ca mắc bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất, hiện là hơn 5,6 triệu ca, trong đó có hơn 173.700 ca tử vong. Trong khi đó, Bộ Y tế Bolivia công bố số liệu cho thấy tổng số ca COVID-19 đã vượt mức 100.000 người, đồng thời dự báo tháng 9 sẽ là giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này.

Giới chức y tế Bolivia nhận định nước này đang ở trong giai đoạn tăng mạnh các ca nhiễm mới, và ước tính tới cuối tháng 8, số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ vào khoảng 130.000-150.000 người. Quan chức y tế Bolivia cho rằng nguyên nhân của tình trạng gia tăng nhanh chóng số người nhiễm bệnh trên cả nước là do các cuộc biểu tình diễn ra trong thời gian qua liên quan đến quyết định trì hoãn thời điểm tổ chức tổng tuyển cử. Tính tới nay, Bolivia - quốc gia Nam Mỹ có 11,6 triệu dân - đã ghi nhận tổng cộng 100.344 ca COVID-19, trong đó có 4.058 người tử vong.   

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định mặc dù tình trạng gia tăng số các ca nhiễm ở Đức trong thời gian gần đây thật sự đáng lo ngại, song tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Chính phủ liên bang sẽ không đưa ra thêm bất cứ biện pháp nới lỏng nào đối với các quy định phòng, chống COVID-19 trên toàn quốc. Bà cũng một lần nữa kêu gọi người dân bình tĩnh, không được chủ quan và cần tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định giãn cách xã hội như giữ khoảng cách tại nơi công cộng, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn...   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại một nhà ga ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Trung tâm bảo vệ sức khỏe (CHP) của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo 1 bệnh nhân từng mắc COVID-19 đã hồi phục cách đây 4 tháng, sau chuyến đi nước ngoài trở về Hong Kong đã tái dương tính với virus. Theo CHP, bệnh nhân là nam giới, 33 tuổi, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, được xác nhận mắc COVID-19 vào cuối tháng 3 và hồi phục vào tháng 4. Đầu tháng 8, bệnh nhân đã đi du lịch Anh và Tây Ban Nha, ngày 15/8 trở về Hong Kong, được xét nghiệm tại sân bay, và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Các chuyên gia y tế Hong Kong tạm thời chưa thể xác định bệnh nhân này là tái nhiễm hay trong người vẫn còn mang virus.     

Tiến sĩ Joseph Tsang Kay-yan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hong Kong, nhận định khả năng bệnh nhân tái nhiễm là cao hơn, vì không có khả năng virus SARS-CoV-2 lưu lại trong cơ thể từ 3 đến 4 tháng. Ông Tsang cho biết khả năng tái nhiễm của các bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục cũng đã được báo cáo ở Mỹ và Trung Quốc đại lục.     

Tại Đông Nam Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa ở khu vực trong và xung quanh thủ đô Manila sau khi chính phủ của ông cam kết triển khai cách tiếp cận "tái tăng cường" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, trong đó có nỗ lực mở rộng công tác xét nghiệm. Tổng thống Duterte cho rằng cần phải mở cửa trở lại nền kinh tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội "hồi sinh", đồng thời kêu gọi người dân Philippines "tuân thủ các biện pháp bảo vệ".

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà ga ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn của Tổng thống Duterte - ông Harry Roque tuyên bố Chính phủ Philippines sẽ sử dụng khoảng thời gian 2 tuần để "tái tăng cường" và "khởi động lại" các biện pháp ứng phó với đại dịch, cho phép nối lại hoạt động kinh doanh và thêm nhiều người trở lại với công việc. Philippines, từng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của châu Á trong thời gian trước đại dịch, đã rơi vào tình trạng suy thoái lần đầu tiên sau 29 năm với mức sụt giảm kỷ lục trong quý 2/2020 do lệnh phong tỏa liên quan đến COVID-19.   

Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp trực tuyến thảo luận về những thách thức liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và sự phối hợp giữa các nước này trong công tác phòng chống dịch bệnh. Về kinh tế, các Bộ trưởng đã thảo luận về các biện pháp ứng phó đang được triển khai thực hiện ở quy mô quốc gia và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đã có sự cải thiện về tình hình kinh tế tại tất cả các nước G7.

Về dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Tài chính các nước G7 đã thảo luận về tầm quan trọng công tác hỗ trợ việc sản xuất, phân phối vaccine và các phương pháp điều trị COVID-19, cụ thể là tại các nước có thu nhập thấp. Ngoài ra, các quan chức đứng đầu ngành tài chính của G7 đã nhất trí thúc đẩy minh bạch thông tin dữ liệu công nợ và xem xét các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp, trong đó có biện pháp gia hạn nợ đến năm 2021. G7 gồm các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản.

Lê Ánh/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...