loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở mức cao chưa từng thấy, với tổng cộng 237.743 ca trong vòng 24h qua.
Ngày 8/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 8/7 cho biết, sau tham vấn giữa hai bên, chính phủ Trung Quốc đã nhất trí với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử các chuyên gia tới Bắc Kinh để trao đổi ý kiến với các nhà khoa học và chuyên gia y tế nước này về hợp tác dựa trên cơ sở khoa học nhằm tìm ra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Theo báo cáo hằng ngày, mức tăng lớn nhất này chủ yếu từ các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Kỷ lục trước đó được WHO ghi nhận là vào hôm 12/7 với 230.370 ca nhiễm/ngày.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến gần 8h sáng 18/7 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 14.176.334 ca, trong đó có 598.450 người từ vong. Việc số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mốc 14 triệu người và số ca tử vong lên tới gần 600.000 người đánh dấu cột mốc mới trong quá trình lây lan của dịch bệnh.
Trong một ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (71.568 ca), Ấn Độ (34.820 ca), Brazil (33.959 ca); trong khi Brazil có 1.110 ca tử vong mới, Mỹ có 859 ca, Ấn Độ có 676 ca và Mexico (668 ca).
Các ca mắc COVID-19 tại Brazil không còn ở cấp số nhân nhưng quốc gia Nam Mỹ này đang ở “tâm của cuộc chiến” khi số ca mắc mới và số người thiệt mạng vẫn tăng cấp độ hàng nghìn mỗi ngày. Đây là nhận định được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngày 17/7.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn của WHO – Tiến sĩ Mike Ryan cho biết số ca nhiễm mới tại Brazil hiện ở mức 40.000 đến 45.000 mỗi ngày, trong khi số ca thiệt mạng mỗi ngày ở khoảng 1.300 ca. Ông Ryan nói: “Khi những con số đó ổn định, có cơ hội để giảm các ca nhiễm mới. Tôi nghĩ giờ là thời cơ của Brazil. Tuy nhiên, sẽ cần có một hành động chắc chắn và bền bỉ để kiểm soát được dịch bệnh”.
Cũng tại cuộc họp báo, Tiến sĩ Ryan đã giải thích tại sao ông miêu tả tình hình “ổn định” tại Brazil. Theo đó, việc tỷ lệ lây nhiễm căn bản (R0) giảm xuống mức 0,5 tới 1,5 tại Brazil trong thời gian qua, thấp hơn so với mức 1,5 tới 2 hồi tháng 4 và 5, cho thấy “virus không còn lây lan nhanh trong cộng đồng như trước”.
Tại Argentina, chính phủ nước này đã công bố quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp cách ly xã hội với một số điều chỉnh linh hoạt tại thủ đô Buenos Aires và vùng đô thị lân cận. Quyết định trên được đưa ra nhằm từng bước đưa cuộc sống của người dân quay trở lại trạng thái bình thường, mặc dù số ca mắc COVID-19 mới vẫn không ngừng tăng trong những ngày gần đây.
Thông báo chính thức của chính phủ nước này nêu rõ giai đoạn cách ly mới sẽ kéo dài từ 19/7 - 2/8, tập trung chủ yếu tại những nơi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như thủ đô Buenos Aires và vùng đô thị lân cận, tỉnh Chaco, Jujuy và Rio Negro. Tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh để tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân như cho phép các cửa hàng gần khu dân cư được mở cửa trở lại, các cá nhân được tới các khu vực công cộng và mở rộng số ngày người dân được ra đường giải trí, đi dạo …
Ngoài ra, chính phủ cũng cho phép những doanh nghiệp ở các vùng đô thị lân cận thủ đô Buenos Aires được phép hoạt động với một quy trình dịch tễ nghiêm ngặt và phải sử dụng phương tiện riêng để đưa đón nhân công.
Theo Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu và phải rất lâu nữa tình hình mới trở lại trạng thái bình thường. Trong thời gian qua, chính phủ và người dân Argentina đã rất nỗ lực giúp giảm thiểu rất nhiều số ca nhiễm, thể hiện ở việc Argentina nằm trong nhóm các nước có số ca tử vong vì dịch COVID-19 thấp nhất ở Mỹ Latinh. Tổng thống Alberto Fernandez tái khẳng định ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân và kêu gọi tất cả cùng nâng cao ý thức tự bảo vệ vì trách nhiệm với cộng đồng.
Đến nay Argentina đã ghi nhận 114.770 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.133 trường hợp tử vong và 49.780 trường hợp đã được chữa khỏi bệnh.
Tại Mexico, Tổng thống nước này Andres Manuel Lopez Obrador cho biết sẽ quyên góp một phần tiền lương cho nỗ lực chung chống đại dịch COVID-19 đang làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế quốc gia. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Lopez Obrador thông báo sẽ đóng góp khoảng 1.200 USD trong tổng số lương tháng hơn 4.800 USD cho dịch vụ y tế và kêu gọi các quan chức chính phủ ủng hộ một phần thu nhập cho công cuộc chống dịch.
Đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới nền kinh tế và xã hội Mexico. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mexico sẽ suy giảm tới 10,5% trong năm 2020. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận 324.041 ca bệnh, trong đó có 37.574 ca tử vong do COVID-19.
Tại Mỹ, các nhóm quân y đã được triển khai tới các bang Texas và California để hỗ trợ các bệnh viện có đông bệnh nhân COVID-19, trong bối cảnh nhà chức trách Miami (bang Florida) ngày 17/7 bắt đầu tăng cường giám sát việc tuân thủ quy định đeo khẩu trang, biện pháp có hiệu quả trong biệc hạn chế số ca mắc COVID-19 gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.
Ở Califonia, các chuyên gia y tế, bác sĩ, y tá quân y đã được triển khai tới 8 bệnh viện đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên giữa lúc số ca bệnh đã phá kỷ lục. Tại thành phố Houston, một nhóm quân y gồm 86 người đã tiếp quản một khu vực trong Trung tâm Y tế United Memorial.
Một số bang đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 kỷ lục trong tuần này, góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong trên cả nước Mỹ. Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca tử vong trong ngày do COVID-19 đã tăng 34% so với 2 tuần trước đó, mặc dù số ca mắc trong gia đoạn đó tăng vọt 43%. Bang Florida đã ghi nhận 128 người tử vong và 11.345 ca nhiễm trong ngày 17/7. Texas ghi nhận 10.000 ca mắc mới ngày thứ 3 lên tiếp và 129 ca tử vong. California ghi nhân tổng số ca nhiễm trong 2 ngày lớn nhất với gần 20.000 ca mắc và 258 ca tử vong trong 48 giờ đồng hồ.
Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Nga là quốc gia châu Âu ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh nhất trong 24 giờ qua với 6.406 ca nhiễm mới và 186 ca tử vong.
Trong ngày 17/7, Hội đồng liên chính phủ của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã thông qua một kế hoạch đối phó với đại dịch COVID-19 cho các quốc gia thành viên trong một phiên họp tại Minsk (Belarus). Kế hoạch hành động này dự kiến trao đổi thông tin quan trọng và phản ứng chung trước sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm. Kế hoạch cũng bao gồm việc tiến hành nghiên cứu vaccine chung. EAEU là liên minh hội nhập kinh tế quốc tế gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Belarus giữ chức chủ tịch EAEU năm nay. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Belarus lên tới 65.782 trường hợp, trong đó có 491 ca tử vong.
Cũng tại châu Âu, Chính phủ Anh thông báo sẽ nới lỏng một phần lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần tại thành phố miền Trung Leicester, sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây đã giảm.
Theo đó, các hạn chế tại trường học, mầm non, các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ được nới lỏng từ ngày 24/7. Các biện pháp khác liên quan đến hoạt động đi lại, tụ tập xã hội và lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khách sạn sẽ vẫn được duy trì. Các biện pháp này sẽ được xem xét lại sau hai tuần nữa.
Tại Trung Đông, Chính phủ Israel đã áp đặt lệnh đóng cửa vào cuối tuần và siết chặt hàng loạt các biện pháp hạn chế nhằm giảm số ca lây nhiễm. Người dân vẫn được phép rời khỏi nhà, nhưng các trung tâm mua sắm, cửa hàng, bể bơi, sở thú và bảo tàng phải đóng cửa từ chiều 17/7 cho đến sáng 19/7.
Đài phát thanh Israel đưa tin các lệnh phong tỏa đầy đủ vào cuối tuần có thể sẽ được áp đặt vào ngày 24/7 tới, sau khi được quốc hội thông qua. Trong những ngày còn lại, hoạt động tụ tập sẽ bị giới hạn 10 người tham gia ở trong nhà và 20 người tham gia ngoài trời. Các nhà hàng sẽ chỉ được phép phục vụ đồ mang về.
Thanh Bình/TTXVN
loading...