Tìm lời giải về vụ mất tích của nữ phi công đầu tiên tham vọng bay vòng quanh thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyên gia thám hiểm dưới nước Robert Ballard, người được cả thế giới biết đến vì đã tìm ra con tàu Titanic huyền thoại, nay lại chuẩn bị tiếp nhận một nhiệm vụ mới, khó khăn và cũng có thể mang lại vinh quang không kém: tìm kiếm chiếc máy bay mất tích cùng nữ phi công nổi tiếng một thời Amelia Earhart.
Theo kênh National Geographic, Ballard sẽ khởi hành từ Samoa vào ngày 7/8 tới cùng với chiếc tàu E/V Nautilus thân thuộc để bắt đầu hành trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích tại Thái Bình Dương từ năm 1937. Toàn bộ quá trình tìm kiếm sẽ được National Geographic ghi lại và làm thành một bộ phim tài liệu để phát sóng từ ngày 20/10.
Chiếc máy bay và nữ phi công Earhart 39 tuổi lừng danh mất tích khi đang thực hiện chuyến bay tiên phong vòng quanh thế giới cùng với người dẫn đường Fred Noonan, 44 tuổi. Sự mất tích của bà là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không. Suốt nhiều thế kỷ qua, câu chuyện về chuyến bay cuối cùng của Earhart vẫn không ngừng ám ảnh các nhà sử học, là nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn sách bộ phim và các giả thuyết hàng không.
- Bức ảnh lý giải vụ mất tích bí ẩn của nữ phi công Mỹ huyền thoại Amelia Earhart
- Sau 77 năm, hậu sinh của nữ phi công Amelia Earhart hoàn thành chuyến bay huyền thoại
Một trong những giả thuyết ban đầu là vì hết nhiên liệu, chiếc máy bay hai động cơ Lockheed Electra đã lao xuống vùng biển gần hòn đảo Howland xa xôi ở Thái Bình Dương khi đang thực hiện một trong những hành trình cuối cùng trong chuyến phiêu lưu lịch sử.
Một giả thuyết khác được nhiều người tin cậy là chiếc máy bay của nữ phi công Earhart đã va chạm khi hạ cánh tại đảo Gardner hoang vu, ngày nay được biết đến với cái tên Nikumaroro, một phần của CH Kiribati. Trong giả thuyết này, nữ phi công Earhart có thể đã sống sót khi trôi dạt vào đảo.
National Geographic cho biết từ Samoa, Ballard sẽ tới Nikumaroro theo những gì được nêu trong giả thuyết này. Cùng với con tàu E/V Nautilus trứ danh, vốn đã đồng hành cùng nhà thám hiểm trong chuyến tìm kiếm Titanic và cả tàu chiến Bismarck của Đức, Ballard sẽ sử dụng một hệ thống định vị dưới nước bằng siêu âm để vẽ bản đồ đáy đại dương và triển khai các phương tiện điều khiển từ xa, trong đó có phương tiện có thể lặn sây tới 3.962 m.
Earhart ghi danh trong lịch sử vào năm 1932 khi bà là người phụ nữ đầu tiên thực hiện chuyến bay solo xuyên Đại Tây Dương. Sau thành tích này, Earhart quyết hiện thực hóa giấc mơ trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh thế giới với chuyến bay định mệnh cất cánh vào ngày 20/5/1937 từ Oakland, California (Mỹ).
Bà và người dẫn đường Noonan đã mất tích vào ngày 2/7 cùng năm sau khi cất cánh từ Lea, Papua New Guinea, để thực hiện hành trình bay dài 4.000 km đầy thách thức trước khi dự kiến hạ cánh và tiếp thêm nhiên liệu tại đảo Howland. Nhưng họ đã không bao giờ có thể hoàn thành kế hoạch này./.
Lê Ánh (TTXVN)