A+ A A- Kiểu đọc sách

Thượng đỉnh Trump-Putin: Cơ hội ngăn ngừa cuộc đua hạt nhân nguy hiểm

14:45 15/07/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - "Nga và Mỹ thực sự đang trong một cuộc chạy đua vũ khí". Lầu Năm góc đã lên kế hoạch phát triển các bom hạt nhân nhỏ hơn, mới hơn, trong khi Tổng thống Putin công bố với cả thế giới kế hoạch chế tạo loại tên lửa "tàng hình" mang theo đầu đạn hạt nhân, có thể vượt qua bất cứ hệ thống phòng thủ nào.

Bất chấp những tiếng nói kêu gọi hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin sau lời kết tội 12 nhân viên tình báo quân sự Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016, Tổng thống Donald Trump vẫn quyết tới Helsinki, háo hức thảo luận một loạt chủ đề, trong đó việc thương lượng gia hạn thỏa thuận quan trọng về kiểm soát vũ khí hạt nhân, Hiệp ước hạt nhân New START, qua đó, ngăn ngừa một cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm.

Công cụ mạnh mẽ

Mối quan hệ giữa Mỹ - Nga đã rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và nguy cơ các cuộc xung đột quân sự, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn ở mức cao. Mặc dù vậy, cuộc gặp Trump - Putin được chờ đợi sẽ giúp củng cố nền an ninh Mỹ nếu như kết quả của nó sẽ là việc hiệp ước New START được gia hạn.

Mỹ và Nga hiện nay vẫn là hai quốc gia sở hữu hai kho hạt nhân lớn nhất thế giới, và cả hai đều đang đầu tư vào những chương trình hiện đại hóa khổng lồ nhằm nâng cấp năng lực quân sự. Cả hai đều đang theo đuổi học thuyết và năng lực quân sự dựa trên việc sử dụng vũ khí hạt nhân ngăn chặn trong nhiều tình huống, trong khi vẫn tuyên bố tìm cách tránh xung đột và ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của Nga được phóng thử nghiệm tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: AP

New START là viết tắt của cụm từ tiếng Anh có nghĩa là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Hạt nhân Chiến lược, một hiệp ước kiểm soát vũ khí có hiệu lực vào ngày 5/2/2011 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Mục tiêu trọng yếu của hiệp ước này là hạn chế quy mô kho vũ khí hạt nhân của cả Nga và Mỹ.

New START cho phép Washington và Moskva kiểm soát chương trình hạt nhân của nhau thông qua các hoạt động thanh sát và chia sẻ dữ liệu, qua đó hạn chế sự bất tin tưởng giữa hai nước về các kế hoạch quân sự và hạt nhân của nhau. Sau 8 năm, New START đã chứng tỏ là công cụ mạnh mẽ để giảm nguy cơ xung đột hạt nhân.

Hiệp ước New START có hiệu lực cho đến năm 2021, nhưng có một lựa chọn là lãnh đạo hai nước có thể nhất trí gia hạn hiệp ước thêm 5 năm. Nếu New START hết hạn chỉ trong 3 năm nữa, hai bên sẽ mất những thông tin quan trọng về chương trình hạt nhân của nhau.

Nguy cơ chạy đua vũ khí

Lúc này vẫn chưa chắc Tổng thống Trump và Putin cuối cùng có nhất trí gia hạn New START hay không. Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, "hai nước sẽ đàm phán cởi mở về gia hạn New START nhưng vẫn chưa quyết định nào được đưa ra".

Xem tàu ngầm Mỹ USS West Virginia phóng tên lửa đạn đạo Trident II:

Còn nhớ, trong cuộc gọi đầu tiên cho ông Putin vào tháng 2/2017, ông Trump đã bác bỏ đề xuất của Kremlin về gia hạn hiệp ước, ông cho rằng đó là một thỏa thuận bất lợi cho Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng là một nhân vật chỉ trích lâu năm đối với New START, ông từng gọi nó là thỏa thuận khiến Mỹ "đơn phương giải giáp".

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu hai nhà lãnh đạo đi đến nhất trí gia hạn New START, đó sẽ là một thỏa thuận lớn và hữu ích cho cả hai nước, bởi ngay lúc này, Mỹ và Nga đang gia tăng kho vũ khí hạt nhân, thay vì cắt giảm.

"Nga và Mỹ thực sự đang trong một cuộc chạy đua vũ khí", Laicie Heeley, chuyên gia hạt nhân Mỹ làm việc tại Dự án An ninh quốc gia Truman nói. Lầu Năm góc đã lên kế hoạch phát triển các bom hạt nhân nhỏ hơn, mới hơn, để giúp chúng dễ dàng sử dụng hơn. Trong khi đó, Tổng thống Putin đã công bố với cả thế giới kế hoạch chế tạo loại tên lửa "tàng hình" mang theo đầu đạn hạt nhân và có thể vượt qua bất cứ hệ thống phòng thủ nào của Mỹ.

"Sẽ không dễ thắng với ông Trump ở một thời điểm xuất hiện nhiều lo ngại ông có thể cho đi nhiều trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin", Kingston Reif, chuyên gia chống phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ, nhận định.

New START không giới hạn việc chế tạo các loại vũ khí hạt nhân, nhưng nó đặt ra một số giới hạn đối với những loại vũ khí hạt nhân mạnh nhất mà hai nước sở hữu. Nội dung chính của Hiệp ước là: Không bên nào được sở hữu tổng cộng trên 1.550 đầu đạn hạt nhân đã được gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược; Không bên nào được sử hữu trên 800 bệ phóng ICBM, bệ phóng SLBM và các máy bay ném bom hạng nặng, bất kể chúng có được gắn tên lửa và bom hay không.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin trao đổi khi gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam năm 2017. Ảnh: Reuters

Theo tờ Times, bằng cách giới hạn kho hạt nhân của cả hai nước, New START điều chỉnh mối quan hệ hạt nhân lâu dài giữa Washington và Moskva. và quan trọng hơn, những giới hạn trong thỏa thuận được xây dựng lại "vừa vặn" với kế hoạch hiện đại hóa hạt nhân Mỹ hiện tại. Việc hết hạt hiệp ước này có thể đưa Nga và Mỹ mở rộng lực lượng hạt nhân một cách tốn kém và nguy hiểm, loại bỏ bất cứ khả năng nào của Washington để giám sát một cách hợp tác sự phát triên hạt nhân của Moskva.

Xem tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Topol của Nga được phóng đi trong cuộc tập trận:

Cả Nga và Mỹ cũng đều hưởng lợi từ sự minh bạch, trao đổi dữ liệu và quyền giám sát được quy định trong New START. Trong lịch sử đã từng xảy ra việc Mỹ ước tính  sai lệch quá lên nhiều về năng lực hạt nhân của Nga trong thập niên 1950, 1960, dẫn đến những quyết sách tốn kém và nguy cơ xung đột hạt nhân toàn diện.

Chú thích ảnh

Nếu New START có thể được gia hạn tại Thượng đỉnh Helsinki lần này, thì sau đó hai bên cũng có thể cân nhắc nối lại những cuộc đàm phán ổn định chiến lược từ lâu đã bị bỏ rơi lên cấp cao. Một lựa chọn sẽ là khởi động đối thoại 2+2 của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ với hai người đồng cấp Nga.

Sẽ là phi thực nếu cho rằng những mối nguy hiểm hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh sẽ quay trở lại quá nhanh. Nhưng cũng sẽ là nguy hiểm nếu phớt lờ chúng, chỉ bởi không muốn thừa nhận hai nước đã rơi trở lại một cuộc chạy đua vũ khí.

Cơ hội tháo gỡ thế đối đầu Nga-Mỹ

Cơ hội tháo gỡ thế đối đầu Nga-Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng có cơ hội gặp gỡ vào ngày 16/7 tại thủ đô Helsinki của Phần Lan - địa danh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng vì đây là nơi đã diễn ra các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington trong suốt thời Chiến tranh Lạnh.

Thu Hằng/Báo Tin tức

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...