(Thethaovanhoa.vn) - Một quả tên lửa Buk phát nổ bên ngoài khoang lái là nguyên nhân khiến chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 bị rơi ở Ukraine. Đây là thông tin chủ chốt được nêu trong một bản báo cáo vừa được Hà Lan công bố.
Chiếc Boeing 777 đang đi từ Amsterdam tới Kuala Lumpur khi nó bị bắn hạ vào ngày 17/7/2014, ở miền Đông Ukraine. Toàn bộ 298 người trên máy bay đã thiệt mạng.
Vụ nổ tên lửa ở độ cao 10 km
Sau đó, Ủy ban an toàn Hà Lan (DSB) đã lãnh đạo một cuộc điều tra quốc tế nhằm vào vụ rơi MH17. Trong ngày 13/10, Chủ tịch DSB Tjibbe Joustra tuyên bố: “Một đầu đạn 9N314M đã phát nổ ngoài chiếc máy bay, ở bên trái khoang lái. Loại đầu đạn này giống với thứ gắn trên hệ thống tên lửa đất đối không Buk”.
Các mảnh vỡ từ đầu đạn lập tức xé toạc khoang lái và giết chết ngay 3 thành viên tổ lái. Những người khác đi trên máy bay không bị mảnh xuyên trúng, nhưng vẫn lập tức ngất xỉu bởi tình trạng giảm áp đột ngột của máy bay và vì thiếu oxy ở độ cao 10 km.
Các mảnh vỡ của MH17 được lắp trên một bộ khung thép để phục vụ hoạt động điều tra nguyên nhân khiến máy bay rơi
"Kết quả từ vụ nổ là họ (các hành khách) phải chịu rất nhiều yếu tố tác động cực mạnh, gồm tình trạng tăng tốc và giảm tốc đột ngột, giảm áp đột ngột, giảm lượng oxy, không khí cực lạnh, luồng gió cực mạnh” – báo cáo của DSB ghi rõ – “DSB không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy các hành khách trên máy bay đã thực hiện những hoạt động có ý thức, sau khi quả tên lửa phát nổ. Nhiều khả năng họ đã không thể nhận thức được tình thế mà mình đang lâm vào.”
Theo DSB, bản báo cáo lần này chỉ tập trung vào 4 chủ đề chính. Đó là nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay MH17, vấn đề chiếc máy bay hoạt động trên khu vực đang có xung đột, vì sao nhiều gia đình Hà Lan phải chờ từ 2-4 ngày để được chính quyền xác nhận việc thân nhân đi trên MH17 và các hành khách trên MH17 đã cảm thấy gì sau khi máy bay gặp nạn.
DSB nói rằng cuộc điều tra của cơ quan này không nhằm để quy kết trách nhiệm cho bên nào. Nhiệm vụ đó thuộc về một cuộc điều tra hình sự cũng đang diễn ra. Tuy nhiên DSB vẫn phê phán chính quyền Ukraine do không đóng cửa không phận tại khu vực miền Đông. Hãng Malaysia Airlines cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ rơi MH-17 vì lẽ ra họ phải nhận thức được mối nguy hiểm khi cho máy bay đi qua khu vực chiến sự tại miền Đông Ukraine.
Sẽ xác định bên bắn tên lửa vào năm sau
Ngoài ra, kết quả điều tra của DSB cũng gây ra không ít tranh cãi, dù chưa quy trách nhiệm cho ai. Đơn cử như việc Nga cho rằng không thể xác định loại tên lửa Buk nào đã khiến MH17 bị rơi, trong khi DSB đã nói đó là loại 9N314M.
Báo cáo điều tra nói quả tên lửa Buk được phóng từ khu vực miền Đông Ukraine, do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Tuy nhiên theo công ty quốc phòng Almaz-Antey, nơi sản xuất các hệ thống Buk, tên lửa được bắn đi từ khu vực do chính quyền Ukraine kiểm soát.
Quân miền Đông Ukraine canh gác mảnh vỡ ngay sau khi xảy ra vụ rơi MH17
Tháng 7 và tháng 10 năm nay, hãng cũng tiến hành thử nghiệm nổ 2 quả tên lửa Buk đời cũ, thuộc loại 9M38M1, ở khu vực gần cửa sổ và khoang lái những chiếc máy bay chở khách Ilyushin Il-86 đã bị thải loại. Hãng kết luận rằng các vết xuyên phá do tên lửa gây ra rất giống với vết xuyên trên MH17. Hãng chỉ ra rằng 9M38M1 hiện chỉ còn trong trang bị của quân đội Ukraine, trong khi quân đội Nga đã sử dụng các loại tên lửa Buk hiện đại hơn.
Được biết, sau khi vụ MH17 xảy ra, tranh cãi quanh chuyện ai khiến máy bay rơi đã làm xấu đi quan hệ giữa Moskva và phương Tây. Vài nước phương Tây và cả chính quyền Ukraine cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở Đông Ukraine đã dùng tên lửa Buk của Nga sản xuất bắn hạ chiếc máy bay. Tuy nhiên lực lượng này và Nga đã bác bỏ các cáo buộc đó. Thay vì thế, họ cho rằng quân đội Ukraine có thể đã dùng hệ thống tên lửa Buk hoặc máy bay chiến đấu có trong trang bị để bắn rơi MH17.
Ngoài cuộc điều tra của DSB, cơ quan công tố Hà Lan còn đang lãnh đạo một nhóm các công tố viên, còn được biết tới với tên Nhóm điều tra chung (JIT), để thực hiện cuộc điều tra hình sự nhằm vào vụ rơi MH17.
Hồi tháng 8 năm nay, JIT cho biết đang kiểm tra các mảnh vỡ có thể là của tên lửa đất đối không trong khu vực máy bay rơi xuống. Các mảnh vỡ có thể tới từ một quả tên lửa Buk. Tuy nhiên họ cảnh báo rằng người ta không thể vội vã ra kết luận rằng các mảnh vỡ này có liên quan tới vụ rơi MH17. Dự kiến cuộc điều tra hình sự này sẽ kết thúc vào năm sau. Khi đó, dư luận sẽ có đáp án cho câu hỏi: ai đã bắn rơi MH17.
Tường Linh
Thể thao & Văn hóa