loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, trong ngày 22/7, Ankara đã bắt giữ gần 300 thành viên của đội cận vệ Phủ Tổng thống. Ngoài ra, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng hủy bỏ gần 11.000 hộ chiếu, chủ yếu của các viên chức nhà nước.
Sau gần 1 tuần xảy ra đảo chính, Chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Recep Erdogan tiếp tục chiến dịch "làm trong sạch" bộ máy nhà nước và
mục tiêu tiếp theo là các lực lượng an ninh.
Theo truyền thông địa phương, hiện có ít nhất 2.500 người đang làm việc trong đội cận vệ Phủ Tổng thống và đã có 283 người bị bắt giữ. Trong khi đó, Ankara cũng hủy bỏ 10.856 hộ chiếu đối với những viên chức nhà nước có thể bị bắt giữ hoặc có thể đang tìm cách bỏ trốn.
Cũng trong ngày 22/7, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala cho biết lực lượng hiến binh trong tương lai sẽ hoạt động như một lực lượng của Bộ Nội vụ, thay vì quân đội hiện nay chỉ huy. Đây là một trong những thay đổi cơ cấu tổ chức lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau vụ đảo chính bất thành hồm 14/7.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu dẫn lời ông Efkan Ala nói: "Lực lượng hiến binh sẽ hoàn toàn độc lập dưới sự điều hành của Bộ Nội vụ".
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ sau đảo chính
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thẳng thừng bác bỏ các thông tin nói rằng Mỹ có thông tin tình báo trước hoặc có liên quan đến vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Obama cũng cho biết yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen (Phê-thu-la Gu-len), người bị Ankara cáo buộc gây ra vụ đảo chính đẫm máu, sẽ được xử lý phù hợp với luật pháp Mỹ, đồng thời Washington sẽ xem xét nghiêm túc những tài liệu mà Ankara cung cấp để chứng minh ông Gulen có tội.
TTXVN
loading...