loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 28/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 195.931.126 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.192.198 triệu ca tử vong.
Các nhà khoa học cảnh báo Vương quốc Anh có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới làm suy yếu hiệu quả phòng bệnh của vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch có thể khiến số ca mắc COVID-19 mới tăng tới 100.000 ca/ngày vào mùa Hè này.
Trong 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận 570.726 ca mắc mới và 9.341 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 177.627.916 người.
Tại Mỹ, sau nhiều tuần giảm mạnh, ngày 27/7, số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt với 59.028 ca, cao nhất trong số các nước trên thế giới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại Mỹ lên 35.350.401, chiếm hơn 10% dân số.
Sự lây lan của biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ tiếp tục đe dọa nỗ lực dập dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Á, nơi số ca mắc mới hàng ngày tại một số nước liên tiếp tăng lên những mốc mới dù không mong muốn.
Ngày 27/7, giới chức y tế Trung Quốc cho biết đợt bùng phát mới đây các ca nhiễm biến thể Delta ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, có quy mô có thể tương tự hoặc lớn hơn đợt bùng phát dịch trước đó ở Quảng Châu. Chính quyền tỉnh cho thành phố Nam Kinh ghi nhận 31 ca bệnh mới lây truyền tại địa phương trong ngày 27/7, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 112 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp không có triệu chứng.
Tại Indonesia, số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 45.203 ca, cao thứ hai thế giới trong khi số ca tử vong theo ngày ở mức cao nhất thế giới với 2.069 ca. Hiện tổng số ca mắc tại Indonesia là 3.239.936 ca, trong đó có 86.835 ca tử vong.
Cùng ngày, Malaysia thông báo nước này ghi nhận 16.117 ca mắc mới COVID-19, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.044.071, trong đó có 8.408 ca tử vong. Theo Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, dịch bệnh COVID-19 ở nước này được dự báo sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc/ngày
Bộ Y tế Philippine cũng thông báo ghi nhận 7.186 ca mắc mới COVID-19 - cao nhất kể từ ngày 13/6, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.562.420 ca, trong đó có 27.318 ca tử vong. Philippine đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan nhanh của các biến thể xuất hiện tại nước này, trong đó Delta là biến thể có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất.
Trước tình trạng số ca mắc mới tăng trở lại, Mỹ thông báo có thể bắt buộc nhân viên liên bang tiêm vaccine. Tổng thống Joe Biden ngày 27/7 cho biết chính quyền của ông đang cân nhắc khả năng bắt buộc tất cả các nhân viên liên bang phải tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết nhiều cơ quan liên bang sẽ xem xét các bước đi cần thiết để bảo vệ nguồn nhân lực, trong đó có việc yêu cầu nhân viên tiêm vaccine bắt buộc. Trước đó, thành phố New York cũng đã công bố quy định bắt buộc các nhân viên phải tiêm vaccine.
Cùng ngày, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) thông báo sẽ phân bổ 121 triệu USD nhằm thúc đẩy việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở các cộng đồng chưa được tiếp cận vaccine trên khắp nước Mỹ. Hiện tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia này đang chậm lại trong khi số ca nhiễm mới lại tăng trở lại do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Trong khi đó, tại châu Âu, tính đến ngày 27/7, gần 70% người trưởng thành ở Liên minh châu (EU) đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và số người được tiêm đủ 2 liều là 57%. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi người dân châu Âu tiếp tục tiêm phòng “vì sức khỏe của bản thân và những người khác”, đồng thời hối thúc các nước duy trì nỗ lực và biện pháp phòng ngừa trước những biến chủng nguy hiểm của virus corona.
Tại Italy, Viện Y tế cấp cao (ISS) của nước này cho biết gần 99% số ca tử vong do COVID-19 từ tháng 2/2021 đến nay đều là những người chưa tiêm đủ liều vaccine. Báo cáo được ISS công bố nêu rõ trong giai đoạn từ ngày 1/2 đến ngày 21/7/2021, đã có 423 ca tử vong vì COVID-19 là những người được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 1,2% trong tổng số 35.776 ca tử vong vì COVID-19.
Trong nỗ lực nhằm giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng, Bộ Y tế Israel ngày 27/7 đã chính thức cho phép tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11. Theo bộ trên, nước này có thể bắt đầu tiêm vaccine cho những trẻ em thuộc nhóm có nguy cơ cao trong độ tuổi trên. Israel xác định các nhóm có nguy cơ cao là những đối tượng có khả năng cao gặp biến chứng nặng hoặc tử vong nếu mắc COVID-19.
Các trường hợp trẻ em từ 5-11 tuổi nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 gồm: béo phì nghiêm trọng; người bị rối loạn phát triển thần kinh như co giật và các hội chứng bẩm sinh; bệnh phổi mãn tính nghiêm trọng; ung thư; suy tim; suy giảm khả năng miễn dịch; tăng áp phổi và các chứng thiếu máu do hồng cầu hình liềm.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Israel, trẻ em từ 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm với liều lượng thấp hơn bình thường, ở mức 10 mcg thay vì 30 mcg. Tuy nhiên, Israel vẫn thận trọng và chưa khuyến cáo tiêm vaccine đại trà cho trẻ em vào thời điểm này.
Phương Hoa/TTXVN
loading...