(Thethaovanhoa.vn) - Một nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam được phỏng đoán là do hóa chất cực độc. Thảm họa môi trường này khiến người ta nhớ lại thảm họa “vịnh thủy ngân” Minamata ở Nhật Bản cách đây 60 năm.
Năm 1956, thủy ngân trong nước thải của nhà máy hóa chất khiến cá bị nhiễm độc và hàng chục nghìn người Nhật Bản ở Minamata nhiễm bệnh.
Căn bệnh lạ
Minamata là một thành phố ven biển thuộc tỉnh Kumamoto. Thảm kịch với thành phố này bắt đầu từ những năm 1930 khi tập đoàn hóa chất Chisso xây dựng nhà máy ở đây. Tập đoàn mang theo cơ hội việc làm cho người dân nhưng cũng là nguồn cơn của thảm họa nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng.
Năm 1932, nhà máy Chisso sản xuất hoạt chất acetaldehyde được dùng trong chế tạo chất dẻo nhựa. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ngành công nghiệp sản xuất hoạt chất acetaldehyde bùng nổ, nhờ đó kinh tế tại Minamata phát triển vượt bậc, tạo ra bước thay đổi lớn trong đời sống sinh hoạt của dân địa phương.
Người mẹ tắm cho đứa con bị dị tật do nhiễm độc thủy ngân.
Theo quy trình hoạt động của nhà máy, nước thải trong quá trình sản xuất đều đổ xuống biển. Tuy nhiên, họ lại không lường trước được việc kim loại nặng sẽ phản ứng hóa học và biến đổi thành metyl thủy ngân, biến vịnh Minamata thành “vịnh thủy ngân” theo đúng nghĩa đen.
Đây là chất có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn, khiến cho mọi loài sinh vật biển nhiễm độc. Không chỉ gây hại với sinh vật biển, thảm họa còn tác động mạnh tới người dân Minamata khi mà nguồn thức ăn chính của họ là các loại tôm, cá, sứa được đánh bắt quanh vịnh Minamata. Thủy ngân từ thức ăn ngấm dần vào và hủy hoại cơ thể.
Vào đầu những năm 1950, một căn bệnh lạ xuất hiện. Cá chết bất thường. Mèo ở Minamata đi lảo đảo, co giật, kêu gào sau đó rơi xuống biển. Người dân trong vùng hoang mang trước hiện tượng “mèo tự tử”. Lo lắng tăng dần khi hành động lạ thường xuất hiện trên người. Có người đang đi bình thường bỗng dưng vấp ngã liên tục. Có người không kiểm soát được các bộ phận như tay, loay hoay mãi khi viết hay cài cúc áo. Có người lại khó khăn khi nghe hay nuốt thức ăn.
Người dân Minamata hoảng sợ vì số người có các triệu chứng lạ ngày một tăng mà không ai tìm ra nguyên nhân. Bệnh viêm não, bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp hay tình dục, hậu quả của chứng nghiện rượu… tất cả đều được phỏng đoán nhưng không ai có câu trả lời thỏa đáng. Căn bệnh này được gọi là bệnh Minamata.
Mãi đến cuối năm 1956, người ta mới xác định được nguyên nhân là do người dân ăn cá, sứa bị nhiễm độc thủy ngân từ nguồn nước thải nhà máy Chisso. Chisso đã thải gần 27 tấn hợp chất thủy ngân ra vịnh Minamata lúc đó. Chất độc mà con người nhiễm phải đã ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh trung ương.
Bê bối xả thải của Chisso bị đưa ra dư luận một lần nữa khi nhiều trẻ em mới sinh trong thành phố Minamata bị dị tật. Các bé bị dị tật chân tay, trí não không phát triển, mù điếc bẩm sinh. Nguyên nhân được xác định là do người mẹ bị nhiễm độc thủy ngân.
Nhà máy hóa chất Chisso - thủ phạm gây ra bệnh Minamata.
Nhà máy Chisso vẫn đang hoạt động tại vịnh Minamata và sản xuất các hợp chất hóa học, thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, Minamata đã bị thay đổi hoàn toàn. Số dân sống trong vùng giảm mạnh, chỉ bằng 70% lượng dân cư trong những năm 1960. Thủy ngân ngấm sâu vào bùn, đất cát quanh vịnh. Hoạt động đánh bắt cá cũng bị cấm. Ai cũng hiểu rằng theo một cách nào đó, cuộc sống tại Minamata cũng đã bị đầu độc.
Không chỉ cuộc sống mà cả các mối quan hệ xã hội ở Minamata đã bị phá hủy. Người dân coi căn bệnh Minamata là điều xấu xa, quỷ dữ. Do sợ bị lây nhiễm, người khỏe mạnh xa lánh người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn là chia rẽ trong cộng đồng Minamata nói chung.
Trong những năm 1950-1960, khoảng 60% lực lượng lao động ở Minamata làm việc cho Chisso và nguồn thu nhập của họ phụ thuộc vào nhà máy này. Do đó, công nhân Chisso trung thành tuyệt đối với nhà máy. Đối lập với họ là lực lượng ngư dân - những người biểu tình rầm rộ chống Chisso. Đáng buồn là xảy ra tình trạng đối đầu giữa hai bên.
Hành trình đòi lại công lý
Bà Shinobu Sakamoto sinh năm 1956, là một nạn nhân mắc bệnh Minamata từ trong bụng mẹ. Bà không thể đi lại và nói chuyện, không được trường học nào nhận. Tuy nhiên, thay vì đầu hàng số phận, bà Sakamoto đã trở thành một trong những người dẫn đầu chiến dịch đòi công bằng cho nạn nhân Minamata. Năm 1972, bà đã cùng mẹ tới một buổi diễn thuyết của Liên hợp quốc về môi trường, cho khán giả thấy được sự thật khốc liệt về tác hại tai quái của nhiễm độc thủy ngân.
Trong những năm đầu khi thế giới phát hiện ra thảm kịch nhiễm độc thủy ngân, tập đoàn Chisso luôn từ chối thực hiện những hành động hợp lý nhằm hạn chế lượng thải nước xả có chứa thủy ngân ra biển.
Trước thái độ hờ hững của ban quản lý Chisso, cuối những năm 1950, các nạn nhân cùng gia đình đã tổ chức chiến dịch “xã hội trợ giúp chung”. Họ thông qua các bản kiến nghị thu thập chữ ký, kêu gọi sự ủng hộ từ người dân trên toàn đất nước Nhật Bản, hàng tháng trời ngồi biểu tình trước sân nhà máy Chisso, dựng lều kêu gọi ngay tại lối đi vỉa hè ở Tokyo nhằm cho dư luận thấy “bộ mặt thật về Chisso”. Cuối cùng, ban quản lý của tập đoàn đã phải xuống nước đồng ý đàm phán với các nạn nhân.
Với bằng chứng xét nghiệm không thể chối cãi, tập đoàn Chisso nhận trách nhiệm về hậu quả của việc xả nước thải chứa thủy ngân. Họ đã lắp đặt một thiết bị có tên gọi “xoay vòng” nhằm kiểm soát lượng nước thải, đề nghị bồi thường cho bệnh nhân nhiễm độc. Gần 100 nạn nhân được xác định và nhận tiền bồi thường. Đến năm 1970, tòa án thành phố đã yêu cầu tập đoàn Chisso bồi thường 3,2 triệu USD cho nhóm các nạn nhân mắc bệnh Minamata.
Trong số 33.540 người, chỉ có khoảng 3.000 người được chính phủ thừa nhận là nhiễm bệnh và hỗ trợ từ 16-18 triệu yen/tháng. Ngày nay, việc đi tìm công lý cho nạn nhân Minatama cũng thu hút dư luận.
Để đánh dấu mốc kỷ niệm 60 thảm họa Minamata, các buổi đối thoại do các nhà nghiên cứu, nhà báo và nạn nhân Minamata tổ chức sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tới tại Tokyo. Buổi triển lãm thường niên giới thiệu bức tranh toàn cảnh về thảm họa Minamata tháng 10 cũng sẽ được triển khai tại tỉnh Kumamoto.
Theo Hồng Hạnh/báo Tin tức