A+ A A- Kiểu đọc sách

Tạm hoãn Phiên tòa xử vụ thao túng giá chứng khoán ở Hà Nội do thiếu nhiều nhân chứng

16:00 11/03/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 11/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hữu Tiệp (sinh năm 1983, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung – Công ty MTM) và 14 đồng phạm trong vụ án thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác... liên quan đến cổ phiếu MTM.

Truy tố 4 bị can ở Công ty chứng khoán Tràng An về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Truy tố 4 bị can ở Công ty chứng khoán Tràng An về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ án ở Công ty cổ phần chứng khoán Tràng An (mã TAS, trụ sở tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đây là lần đầu tiên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử về hành vi thao túng giá chứng khoán.

Cùng ra hầu tòa với bị cáo Trần Hữu Tiệp trong vụ án này có 14 bị cáo, gồm: Vũ Thị Hoa, Nguyễn Lê Trường, Bùi Thiện Lý, Đỗ Hữu Tài, Hồ Xuân Lý, Lê Đắc Hà, Đặng Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Hiền, Vũ Thế Vinh, Nguyễn Văn Dĩnh, Nguyễn Thị Hiên, Ngô Văn Hiến, Lê Thị Hằng Nga, Trần Thị Mai Lan.

Chú thích ảnh
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Trần Hữu Tiệp (sinh năm 1983, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung – Công ty MTM) . Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố các bị cáo: Tiệp, Hoa, Trường về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo Lý và Tài bị truy tố về tội “Thao túng giá chứng khoán”. Các bị cáo Dĩnh, Hiên, Hiến, Nga, Lan bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”. Các bị cáo Lý, Hà, Hùng, Hiền, Vinh bị truy tố về tội “Giả mạo trong công tác”.  

Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa. Gần 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 13 bị cáo. Riêng hai bị cáo: Nguyễn Thị Hiền và Ngô Văn Hiến không mời luật sư bào chữa.

Theo cáo trạng, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh (sinh năm 1965, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Nari Hamico) mua lại hồ sơ pháp lý của Công ty MTM. Doanh nghiệp này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỉ đồng); làm giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỷ đồng… nhằm đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Để làm giả được hồ sơ nói trên, Tiệp, Dĩnh và đồng phạm đã móc nối với cán bộ một số ngân hàng làm giả, hợp thức hóa chứng từ, rút 485 tỷ đồng, thể hiện việc góp vốn của các cổ đông và doanh số kinh doanh của Công ty MTM.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tháng 5/2015, trong lúc Dĩnh đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM thì Dĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam ở một vụ án khác. Ngay sau đó, Công ty MTM vội rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, tháng 6/2015, Tiệp và Phùng Thành Công (hiện bỏ trốn) lại thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý của Công ty MTM và tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán. Hoa biết rõ MTM không có vốn, cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đồng ý bàn giao hồ sơ với thỏa thuận - nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong số 31 triệu cổ phiếu, tương đương 155 tỉ đồng vốn thực góp.

Cáo trạng xác định, tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện (tháng 6/2016) đang có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của doanh nghiệp này. Trong đó, 822 nhà đầu tư đã có đơn đề nghị làm rõ thiệt hại. Với thủ đoạn nêu trên, Trần Hữu Tiệp cùng các đồng phạm đã thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng cổ phiếu MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng, trong đó lừa đảo chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng của các nhà đầu tư cổ phiếu MTM. Ngoài ra, Tiệp còn có hành vi lừa bán cổ phiếu của MTM cho 2 người khác để chiếm đoạt 355 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trước đó, ngày 14/11/2018, vụ án này đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm và trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung một số điểm chưa rõ trong vụ án. Sau khi có kết luận điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định giữ nguyên cáo trạng truy tố.

Tại phiên tòa sáng 11/3, vắng mặt luật sư của bị cáo Vũ Thị Hoa và nhiều nhân chứng, bị đơn dân sự… Bị cáo Hoa đề nghị được hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền được bào chữa cho bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập những nhân chứng, bị đơn dân sự vắng mặt. Trong trường hợp tại phiên tòa sau nếu vẫn vắng mặt những nhân chứng, bị đơn dân sự này, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa áp dụng biện pháp dẫn giải đối với họ, để đảm bảo cho phiên tòa được khách quan, minh bạch.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa và mở lại vào ngày 4/4/2019.

Kim Anh/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...