A+ A A- Kiểu đọc sách

Số phận của thói quen bắt tay sau đại dịch Covid-19

15:03 28/06/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Còn nhớ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên toàn thế giới vào khoảng đầu năm 2020, hình ảnh những cái bắt tay vốn là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác bỗng trở thành điều cấm kỵ vì đó là một trong những thói quen bị cho là góp phần làm lây lan virus SARS-CoV-2.

Từ bỏ thói quen bắt tay và hôn chào nhau thời COVID-19

Từ bỏ thói quen bắt tay và hôn chào nhau thời COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan nhanh đến chóng mặt, những cái bắt tay và ôm hôn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh là rất cao. Việc thay đổi thói quen chào hỏi nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là việc cần thiết phải làm lúc này.

Sau hơn một năm,  khi một số quốc gia như Mỹ dần dỡ bỏ những quy định hạn chế sau khi triển khai những chiến dịch tiêm phòng COVID-19 thần tốc và trên diện rộng, những cái bắt tay cũng đang dần trở lại. Nhưng cử chỉ từng là khởi đầu của mọi mối quan hệ này liệu có thực sự được như xưa?   

Hơn cả các bài phát biểu hay bất kỳ bản thông cáo báo chí nào, một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin giữa tháng này chính là khi khi nhà lãnh đạo bắt tay nhau trước nhiều ống kính máy quay.

Trước đó vài ngày, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), tổ chức tại Cornwall, nước Anh, ông Biden và những nhà lãnh đạo các nước thành viên khác vẫn thực hiện động tác chạm khủyu tay, vốn là cử chỉ thay thế bắt tay kể từ khi đại dịch bùng phát.   

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Cornwall, Anh ngày 12/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, hầu hết các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ và những người được tiêm vaccine đầy đủ cũng không phải đeo khẩu trang ngay cả trong môi trường kín, giãn cách xã hội gần như trở thành quá khứ trong khi các hoạt động đi lại trong nước đã được khôi phục. Tuy nhiên, nhiều người hiện vẫn tỏ ra thận trọng, nhiều cửa hàng và văn phòng làm việc vẫn khuyến khích đeo khẩu trang, bạn bè chào hỏi nhau bằng cách vẫy tay trong khi những cái bắt tay vẫn có lúc bị từ chối. Jesse Green, kỹ thuật viên tổng đài điện thoại tại New York, từ chối bắt tay với khách hàng nhưng sẽ đồng ý nếu đó là với những người quen biết hoặc đã tiêm phòng COVID-19.

Green cho rằng đại dịch khiến mọi người đề phòng hơn trong những tình huống tiếp xúc trực tiếp bằng tay. Trong khi đó, ông William Martin, một luật sư 68 tuổi, thuộc nhóm tuổi nguy cơ cao hơn nếu mắc bệnh, quả quyết sẽ không bắt tay ai dù họ đã tiêm phòng hay chưa tới khi nào tình hình thực sự an toàn. Một số công ty và tổ chức tại Mỹ hiện còn có ý tưởng phát các loại vòng đeo tay màu sắc khác nhau để làm tín hiệu nhận biết một người nhân viên, khách hàng hoặc khách đến làm việc muốn tiếp xúc với đối phương ở mức độ nào. Trong đó, màu đỏ là những người thận trọng nhất, giảm dần đến màu vàng và cuối cùng màu xanh lá cây là thoải mái nhất.     

Về mặt khoa học, Giáo sư Jack Caravanos, Đại học New York, cho rằng lây nhiễm virus thông qua tiếp xúc da là vấn đề vẫn còn gây tranh luận. Tuy nhiên, các bệnh cúm, cảm lạnh và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể bị lây truyền thông qua tiếp xúc. Vì vậy, việc tránh bắt tay nhìn chung là biện pháp bảo vệ y tế cộng đồng hiệu quả. Nhìn vào những lợi ích sức khỏe rộng lớn hơn, nhiều chuyên gia cũng không lấy làm tiếc khi trong xã hội không còn những cái bắt tay.

Cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Nhà Trắng, ông Anthony Fauci, thậm chí còn chia sẻ rất thành thật khi dịch mới bùng phát vào năm ngoái rằng con người có lẽ không nên trở lại thói quen bắt tay nhau. Allen Furr, Giáo sư tại Đại học Auburn, cho rằng đại dịch COVID-19 có thể khiến số người "ngại tiếp xúc" gia tăng vì tâm lý "không đến gần để đảm bảo an toàn" dần ăn sâu trong xã hội.   

Tuy nhiên, ở một phương diện khác, có những người vẫn cảm thấy "mất mát" khi xã hội không còn những cái bắt tay. Patricia Napier-Fitzpatrick, nhà sáng lập trường Etiquette ở New York, cho rằng thông qua một cái bắt tay, chúng ta có thể hiểu rất nhiều về một người, đó là một phần ngôn ngữ cơ thể. Chạm vào ai đó cũng là cách thể hiện lòng tin với đối phương và đánh tín hiệu rằng bạn không làm hại họ. Thực tế cũng đã có nhiều người mất việc vì không biết cách bắt tay.    

Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn rất nhiều thứ trong cuộc sống hằng ngày của con người và thói quen bắt tay cũng là một trong số đó. Nhiều người tin rằng đại dịch lần này như một bài thử nghiệm với  thói quen bắt tay trong khi nhiều người khác cũng hy vọng thói quen này sẽ trường tồn vì với họ, đó là một nghi thức quan trọng trong văn hóa tiếp xúc của loài người.

Lê Ánh/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...