(Thethaovanhoa.vn) - Trước năm 2010, Singapore được coi là một quốc giả tẻ nhạt khi các hoạt động của startup gần như là không có. Thế nhưng, năm năm sau đó, mọi chuyện đã xoay vần.
Nhắc đến Singapore, Scott Anthony, giám đốc công ty tư vấn chiến lược Innosight (Mỹ) đã từng bình luận: Khi đặt chân đến quốc đảo này vào năm 2010, ông không thể tìm được một công ty tốt để đầu tư. Các startup – những người được mệnh danh là năng nổ, nhiệt huyết nhất Singapore thời kỳ đó đều rất mông lung về kế hoạch kinh doanh của mình, nếu không muốn nói là một số còn rất ngây ngô.
Cũng đúng, bởi giai đoạn này, Singapore chỉ mới được biết đến với các sòng bạc, Universal Studios, công viên hải dương lớn nhất Châu Á hay khu vườn nhân tạo Gardens by the Bay. Người Singapore không quan tâm đến khởi nghiệp, bởi họ cho rằng: bản chất của họ là những người không sáng tạo. Tổ tiên của họ bao đời này cũng không ưu tiên lĩnh vực này. Khởi nghiệp chỉ nên phát triển ở những nước mà bản chất của người dân đã vốn sáng tạo sẵn như người Mỹ hay Israel…
Những năm 2010 – 2011, chuyện một startup nào đó nhận được đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay, ước chừng vài tháng/lần. Riêng chuyện thoái vốn (thu vốn về bằng cách lên sàn hay sáp nhập vào một công ty khác), mỗi năm may ra được 1-2 lần.
Thế nhưng, mọi chuyện đã xoay vần khi lãnh đạo quốc gia này nhận ra rằng: chỉ có nêu cao tinh thần khởi nghiệp mới có thể đưa Singapore phát triển lên một tầm cao mới. Kết quả là với các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trẻ, cộng với nhiều quỹ dành cho khởi nghiệp… chỉ sau 5 năm, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.
Tính đến năm 2015, đảo quốc này đang là "nhà" của hàng trăm startup thú vị, trong đó phần lớn đang hoạt động trong khu JTC Launchpad - cái nôi của khởi nghiệp tại Singapore. Bên cạnh đó, hầu như tuần nào giới khởi nghiệp cũng chứng kiến các khoản đầu tư đầu lớn nhỏ được rót cho startup của Singapore, và thoái vốn thì cũng không dưới 10 thương vụ một năm. Đầu tư mạo hiểm vào mảng công nghệ tại đây đã leo thang nhanh chóng với tốc độ vượt mặt cả các trung tâm khởi nghiệp Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong.
Rõ ràng, để đạt được thành tựu như ngày hôm nay, người Singapore đã phải nỗ lực rất nhiều chứ không đơn thuần chỉ là một câu hô “khởi nghiệp” của chính phủ. Vậy bản thân người Singapore đã làm gì để thay đổi mình và vai trò của chính phủ Singapore như thế nào trên con đường “thay da, đổi thịt” này?
Tổng hợp