loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 8/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 11.941.601 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 545.651 ca tử vong. Số ca phục hồi đã lên tới 6.844.973 ca. Hiện vẫn còn 4.550.977 ca phải điều trị, trong đó số ca nặng phải điều trị tích cực chiếm 1%.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins công bố sáng 7/7 (giờ Việt Nam), số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ đã ở mức trên 130.000 người, cụ thể đang là 130.248 người. Trong khi đó, số ca mắc bệnh là 2.931.142 người.
Trong 24 giờ qua, Mỹ tiếp tục ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới tăng trên 50.000 ca (55.260 ca). Đến nay, Mỹ ghi nhận tổng cộng 3.096.902 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 133.937 ca tử vong, là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19.
Đáng lưu ý, tổng số ca bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ Latinh và Caribe cũng đã vượt con số 3 triệu ca. Hiện khu vực này đang là tâm đại dịch COVID-19 toàn cầu.
Theo thống kê chi tiết của hãng tin AFP, hiện tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại khu vực này là 3.023.813 ca và 140.000 ca tử vong, trong đó một nửa tập trung tại Brazil - quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại Nam Mỹ và đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trong 24 giờ qua, Brazil cũng đã ghi nhận 48.584 ca nhiễm mới và 1.312 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, tiếp sau Brazil là Mexico, Peru và Chile là 3 nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực này. Trong khi Peru không có dấu hiệu sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng dịch, giới chức Chile cho biết đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp nếu dịch bệnh có chiều hướng suy giảm.
Nga - tâm dịch châu Âu - ghi nhận thêm 6.368 ca và 198 ca tử vong trong ngày 7/7. Hiện có 694.230 người tại Nga nhiễm virus SARS-CoV-2 và 10.494 người tử vong. Cũng tại châu Âu, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo nước này sẽ tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô Belgrade từ ngày 10 đến 13/7. Ông cảnh báo tình hình dịch bệnh trong nước đang ở mức báo động do hệ thống bệnh viện đã vận hành hết công suất. Ngoài áp đặt lệnh giới nghiêm, Serbia cũng cấm người dân tụ tập trong không gian kín từ 5 người trở lên và các hoạt động ngoài trời nếu không đảm bảo giãn cách 2m.
Đến nay, 19 thành phố cấp tỉnh và địa phương, trong đó có thủ đô Belgrade đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19, ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà và cấm tụ tập đông người. Trong 24 giờ qua, Serbia ghi nhận 299 ca nhiễm mới và 13 ca tử vong - mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 3/2020.
Tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Iran ghi nhận ngày có số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay - lên tới 200 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Iran đã lên tới 11.931 ca. Trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 2.367 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân trong nước lên 245.688 ca.
Trong khi đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan tại Saudi Arabia với số ca tử vong là hơn 2.000 người. Saudi Arabia vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nước Arab với tổng số ca nhiễm lên tới 217.108 người. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tại nước này là 3.392 ca.
Dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan tại Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Maroc, Liban, Yemen và Palestine.
Tại châu Á, Ấn Độ thông báo có thêm 23.135 bệnh nhân COVID-19 và 479 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong ở nước này lần lượt là 743.481 ca và 20.653 ca. Ấn Độ hiện đứng thứ 3 thế giới về số bệnh nhân COVID-19.
Philippines và Indonesia hiện là hai quốc gia Đông Nam Á có số ca nhiễm trong ngày cao nhất, lần lượt ở con số 1.540 ca và 1.268 ca.
Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 83 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, tổng số ca nhiễm là 369 ca và không có trường hợp tử vong.
Lan Phương/TTXVN
loading...