loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê của trang worldometers.info, đến 8h sáng 27/5, tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 5.678.046 người, trong đó có 351.667 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, với 1.725.148 ca, và số ca tử vong đã lên tới 100.579 ca.
Ngày 25/5, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tuyên bố nước này đã khống chế thành công dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi trong 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới và cũng chỉ 69 ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Tính tới ngày 25/5, Montenegro ghi nhận 324 ca mắc bệnh và 9 ca tử vong.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 2.428.132 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 53.101 và 2.845.246 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, đại dịch COVID-19 lại có nguy cơ hình thành các ổ dịch mới với "tâm bão" dịch chuyển sang khu vực Mỹ Latinh.
Brazil có thể trở thành "điểm nóng" mới khi dịch bệnh đang diễn biến xấu với tốc độ rất nhanh những ngày gần đây. Hiện nước này đã ghi nhận tổng cộng 392.360 ca mắc COVID-19 (đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ), trong đó có 24.549 ca tử vong. Mặc dù vậy, nhà chức trách nước này vẫn chưa triển khai những biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch bệnh. Một nghiên cứu của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc trường Đại học Washington của Mỹ dự báo số người tử vong do COVID-19 tại Brazil có thể sẽ lên tới hơn 125.000 người vào đầu tháng Tám tới.
Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico cũng thông báo số ca bệnh và tử vong do COVID-19 đã tăng kỷ lục trong vòng 24 giờ qua, với 3.461 ca bệnh mới và 501 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 74.566 người, trong đó có 8.134 ca tử vong, và 31.878 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
Cơ quan chức năng cho biết bên cạnh số ca tử vong trong nước, 1.073 công dân nước này đã tử vong do COVID-19 tại nước ngoài và 13.175 công dân đã được hồi hương. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã tiến hành 235.129 xét nghiệm. Theo kế hoạch, Mexico sẽ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội vào ngày ngày 31/5. Tuy nhiên, chính quyền các bang có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp bổ sung tùy thuộc vào diễn biến dịch tại địa phương.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá các quốc gia châu Mỹ là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19 và hiện không phải thời điểm để những nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế. Số ca mắc bệnh cũng liên tiếp tăng cao ở Chile, Peru, Ecuador, và Venezuela, cho thấy đại dịch COVID-19 đang tăng tốc. WHO dự báo tại Nam Mỹ chỉ có Bolivia và Paraguay có thể sẽ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nước Mỹ hiện vẫn là tâm dịch nóng nhất thế giới và là quốc gia đầu tiên có số ca tử vong vì đại dịch vượt quá con số 1.000. Tuy nhiên, nếu xét về các chỉ số ca tử vong và ca mắc bệnh mới, thì xu thế dịch đang có chiều hướng chững lại và hạ nhiệt tại Mỹ. Hiện hầu hết các tiểu bang của Mỹ đã mở cửa trở lại hoạt động kinh tế và xã hội. Trong khi ngay tại "tâm dịch" New York, thị trường tài chính Phố Wall cũng đã mở cửa sau hơn 1 tháng đóng băng, các bãi biển đã được phép đón khách trở lại...
Sáng 26/5 (theo giờ Mỹ), các chỉ số chứng khoán của Phố Wall đã đồng loạt tăng điểm trong bối cảnh có thêm nhiều hy vọng về vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) chính thức hoạt động trở lại kể từ khi phải tạm đóng cửa vào cuối tháng 3.
Tại châu Âu, Chính phủ Đức đã ra quyết định tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 29/6, sớm hơn một tuần so với kế hoạch đưa ra trước đó là ngày 5/7, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo quyết định này, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 29/6, chính phủ cũng sẽ nới lỏng một số hạn chế, trong đó cho phép tối đa 10 người hoặc các thành viên của hai hộ gia đình được gặp nhau ở nơi công cộng kể từ ngày 6/6. Tuy nhiên, chính quyền các bang cũng có thể tự điều chỉnh quy định về số lượng người ở nơi công cộng dựa theo mức tỉ lệ lây nhiễm cho phép.
Bên cạnh đó, Chính phủ Đức và chính quyền các bang cũng yêu cầu người dân tiếp tục tuân thủ và đảm bảo các quy định về vệ sinh cũng như giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m, đặc biệt khi gặp nhau trong không gian kín. Số lượng người nên tương ứng với kích thước của phòng để đảm bảo sự lưu thông không khí. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng khuyến cáo bất cứ nơi nào có thể, các cuộc gặp mặt nên được tổ chức ngoài trời vì nguy cơ lây nhiễm ở đây sẽ thấp hơn đáng kể, đồng thời lưu ý trong mọi trường hợp, cần đảm bảo khả năng truy nguồn gốc của những người tham gia trong trường hợp phát hiện nhiễm bệnh.
Cũng trong một diễn biến tích cực, chính phủ các nước Hungary, Slovakia và CH Séc đã nhất trí sẽ mở lại đường biên giới chung giữa các nước này kể từ đêm 26/5.
Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đã đồng ý với các đối tác CH Séc và Slovakia cho phép các công dân của mỗi nước ở lại trên lãnh thổ của các nước còn lại trong không quá 48 giờ mà không cần cách ly. Tuy nhiên, công dân Hungary có thể đến CH Séc nếu đi qua Slovakia, nhưng không thể quay về Hungary qua đường Slovakia. Họ sẽ phải đi vòng qua Áo và điều tương tự cũng được áp dụng đối với công dân Séc trở về từ Hungary.
Còn Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek thì nêu rõ các công dân ba nước trên có thể đi lại giữa các nước này mà không cần phải nộp giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và không cần kiểm dịch nếu họ quay trở lại trong vòng 48 giờ.
Trước đó, ngày 25/5, Hungary tuyên bố mở cửa biên giới với Serbia, sau khi mở lại biên giới với Romania hồi tuần trước. Cũng trong ngày 26/5, CH Séc bắt đầu mở lại các cửa khẩu biên giới với nước láng giềng Đức và Áo. Tuy nhiên, giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính vẫn là bắt buộc và việc kiểm tra ở biên giới sẽ được tiến hành ngẫu nhiên.
Trong khi đó, Bộ Y tế Italy cảnh báo nguy cơ dịch viêm đường hô hâp cấp COVID-19 bùng phát lần hai tại nước này, song khẳng định Italy đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với đợt bùng phát mới.
Phát biểu trên kênh truyền hình Sky TV, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho rằng: "Tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều quan ngại về làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai và những ai chịu trách nhiệm về các quyết định chính trị không thể đánh giá thấp khả năng này, do đó, chúng tôi đã tăng số giường chăm sóc tích cực lên 115%".
Bộ trưởng Roberto Speranza khẳng định Italy đã sẵn sàng cho làn sóng thứ hai của dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo người dân sẵn sàng phối hợp với cơ quan y tế, Hội Chữ thập đỏ để tiến hành xét nghiệm huyết thanh, giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu và hiểu rõ hơn về dịch bệnh.
Tại châu Phi, ngày 26/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo ghi nhận thêm 789 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên hồi giữa tháng Hai vừa qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 18.756 người.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân tử vong do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 797 người, sau khi có thêm 14 ca tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 127 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 5.027 người.
Bất chấp các giải pháp được triển khai nhằm kiềm chế dịch COVID-19, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ai Cập vẫn tăng mạnh kể từ cuối tháng Ba đến nay. Hiện Ai Cập đã tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19, đặc biệt trong dịp lễ Eid El-Fitr của người Hồi giáo, vốn bắt đầu từ ngày 24/5, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Ai Cập hiện vẫn áp đặt lệnh giới nghiêm từ 17h chiều cho đến sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 24-29/5. Trong thời gian này, tất cả các cửa hàng, trung tâm mua sắm, công viên cũng như các bãi biển đều đóng cửa hoàn toàn, đồng thời hoạt động đi lại giữa các tỉnh cũng tạm ngừng.
Thanh Phương/TTXVN
loading...