loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính, khi các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn đang thắt chặt so với hồi đầu năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 27/3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết ban lãnh đạo của tổ chức này đã thông qua những sửa đổi nhằm cho phép IMF dãn nợ cho các nước thành viên kém phát triển nhất và dễ bị tổn thương do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Báo cáo về Bình ổn tài chính toàn cầu công bố ngày 14/4 của IMF nêu rõ: "Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, các điều kiện tài chính đã được siết chặt với tốc độ chưa từng thấy, gây ra một số "đứt gãy" trên các thị trường tài chính toàn cầu". IMF cũng ghi nhận sự bất ổn của thị trường đã lên đến đỉnh điểm, chi phí cho vay gia tăng, và nhiều dấu hiệu căng thẳng đã xuất hiện ở nhiều thị trường vốn lớn.
Báo cáo cho biết: "Các diễn biến này làm dấy lên nguy cơ rằng tình trạng người đi vay không thể trả nợ sẽ gây sức ép đối với các ngân hàng và khiến các thị trường tín dụng đóng băng". Báo cáo cũng cảnh báo rằng một giai đoạn dài hỗn loạn trên các thị trường tài chính có thể gây thảm họa đối với các thể chế tài chính, và ngược lại, việc này có thể dẫn tới sự sụp đổ tín dụng dành cho người đi vay động sản, từ đó đẩy nhanh hơn đà đi xuống của nền kinh tế.
Theo báo cáo, dù các ngân hàng trung ương lớn đã mạnh tay nới lỏng tiền tệ và cung cấp thêm tiền mặt cho hệ thống tài chính, giúp ổn định tâm lý của giới đầu tư trong những tuần qua, nhưng các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn siết chặt hơn nhiều so với hồi đầu năm.
Phát biểu tại họp báo ngày 14/4, cố vấn tài chính và Giám đốc Ban Thị trường vốn và tiền tệ của IMF, ông Tobias Adrian nhận định: "Các ngân hàng trung ương sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của các thị trường tài chính toàn cầu và duy trì dòng chảy tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng cuộc khủng hoảng này không đơn giản là về khả năng thanh khoản. Trước tiên, đó là khả năng trả được nợ, vào lúc mà những phân đoạn lớn của nền kinh tế toàn cầu bắt đầu ngừng hoàn toàn. Kết quả là chính sách tài chính có một vai trò lớn".
Quan chức IMF cho biết: "Cùng nhau, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế khóa cần nhằm giảm nhẹ tác động của cú sốc COVID-19 và đảm bảo một đà phục hồi mạnh mẽ, bền vững sau khi dịch bệnh được kiểm soát".
Báo cáo trên được đưa ra sau khi IMF cùng ngày công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới, trong đó nhận định nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm giảm 3% trong năm nay, trong khi mức giảm tại các nền kinh tế tiên tiến là trên 6% và cảnh báo, những tổn thất về kinh tế sẽ tồi tệ hơn nếu đại dịch COVID-19 kéo dài. Tóm lại, kinh tế thế giới trong năm 2020 sẽ phải trải qua một năm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1930.
Sang năm 2021, IMF dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,8%, trên cơ sở giả định rằng đại dịch COVID-19 sẽ lắng xuống trong nửa cuối năm nay và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có thể dần được nới lỏng. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo sẽ có những thay đổi lớn trong dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hoạt động thương mại của thế giới được IMF dự đoán giảm 11% trong năm 2020 và sẽ tăng trưởng mạnh 8,4% trong năm 2021.
Trong một diễn biến khác, IMF đã thông qua khoản vay 389 triệu USD giúp El Salvador đối phó với khủng hoảng COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, khoản vay trên sẽ được giải ngân qua Công cụ Tài chính nhanh (IFR). IMF nhận định tình trạng cách ly và sự sụt giảm chung của nền kinh tế thế giới cũng sẽ kéo theo việc nền kinh tế El Salvador chững lại trong ngắn hạn và ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế tài chính của đất nước. Đến nay, El Salvador đã ghi nhận 6 người thiệt mạng và 149 người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Phó Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Hành chính của IMF Mitsuhiro Furusawa cho biết đây là khoản giải ngân đầu tiên của tổ chức này cho El Salvador trong hơn 30 năm qua, và sẽ được cấp cho các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, đặc biệt là ngành y tế. Để nhận được sự hỗ trợ này, Chính phủ El Salvador cam kết sẽ tiến hành “từng bước điều chỉnh tài khóa kể từ năm 2021”.
Trước đó, ngày 13/4 IMF đã phê chuẩn giảm nợ ngay lập tức cho 25 quốc gia thành viên nghèo và đang phát triển để giúp họ chống dịch COVID-19.
Bích Liên - Hương Giang - Lê Hiền/TTXVN
loading...