(Thethaovanhoa.vn) - Khởi đầu là những chiếc xe Jeep và sau đó là xe Humvee, nay quân đội Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo một loại xe đa năng mới, có nhiều khả năng trở thành công cụ phô trương sức mạnh chiến đấu của họ: chiếc JLTV.
Hiển nhiên là cái tên của mẫu xe mới nghe không bắt tai bằng những người tiền nhiệm. Nhưng xe JLTV, tên đầy đủ là Xe chiến thuật hạng nhẹ liên hợp cho thấy một bước nhảy vọt về mặt công nghệ mà quân đội hy vọng sẽ giúp bảo vệ tính mạng binh lính Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.
Được bọc thép vẫn chết gục trước bom vệ đường
Tháng trước, giới chức Mỹ đã công bố tên người thắng thầu trong việc chế tạo một mẫu xe sẽ thay thế hàng ngàn chiếc Humvee. Đây là kết quả từ một cuộc tìm kiếm mẫu xe mới, đã bắt đầu nhiều năm sau cuộc chiến của Mỹ ở Iraq trong năm 2003.
Trong khi Humvee được ca ngợi nhiều về tốc độ cùng khả năng đi tới mọi nơi cùng binh lính Mỹ, tình trạng phiến loạn gia tăng và sự phổ biến của các loại bom vệ đường ở Iraq, Afghanistan đã sớm mang tai họa tới cho nó và những người ngồi bên trong.
Công nhân lắp lốp cho xe JLTV tại nhà máy của Oshkosh tại Wisconsin. Ảnh: AFP
Với phần dưới thân xe khá phẳng và có khoảng sáng gầm xe thấp, chiếc Humvee hoàn toàn không thể chống đỡ được một quả bom vệ đường. Thay vì làm chệch hướng và phân tán năng lượng nổ, chiếc xe thường lãnh trọn toàn bộ sức công phá của vụ nổ bom vệ đường, khiến những người ở trong nó phải trả giá bằng mạng sống.
"Một chiếc xe Humvee bọc thép không được thiết kế để đương đầu với bom vệ đường. Thiết kế mẫu xe này đã hoàn toàn sai lầm"- Jim Hasick, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết - "(Phần dưới thân xe) nằm quá gần mặt đất và nó cũng không có thiết kế hình chữ V để làm chệch hướng lực nổ."
Trước các vụ tấn công diễn ra liên miên, quân đội Mỹ đã tìm cách tăng cường khả năng sống sót của Humvee, như đắp thêm giáp bảo vệ, nhưng chúng vẫn dễ bị tổn thương. Trong không khí gấp gáp, quân đội đã thông qua một chương trình chế tạo và chuyển giao hơn 24.000 xe chống mìn và phục kích (MRAP), có chi phí gần 45 tỷ USD.
Bảo vệ người lính là ưu tiên cao nhất
Nhưng do được đắp giáp rất dày, xe MRAP đã trở nên rất nặng nề, khiến quân Mỹ không dễ đưa nó tới mọi nơi họ cần. Đặc điểm của MRAP cũng chống lại nỗ lực của Lầu Năm Góc, trong việc tạo lập "một lực lượng chiến đấu nhanh hơn, nhẹ hơn."
Vì thế, quân đội Mỹ bắt đầu tìm kiếm chiếc xe thay thế, đủ cơ động như Humvee, nhưng vẫn có khả năng bảo vệ của MRAP. Ngày 25/8 vừa qua, quân đội đã trao hợp đồng trị giá 6,75 tỷ USD cho nhà sản xuất xe Oshkosh có trụ sở ở Wisconsin. Công ty này đã có bề dày thành tích trong việc chế tạo nhiều chiếc xe tải và xe bọc thép trong quân đội.
Oshkosh đã đánh bại nhiều đối thủ nặng ký như Lockheed Martin và AM General, nơi chế tạo ra chiếc Humvee. Các đối thủ kinh doanh này chắc chắn sẽ phản đối quyết định của Lầu Năm Góc và làm trì hoãn việc ra mắt mẫu xe mới.
Những chiếc Humvee đã rất được ưa chuộng ở Mỹ cũng như trên thế giới. Ảnh: Murdoconline
Tổng cộng Lục quân Mỹ có ý định mua 50.000 chiếc xe mới trước năm 2040, trong khi Thủy quân lục chiến muốn mua 5.500 chiếc. Tổng giá trị của hợp đồng trong khoảng thời gian này ước tính 30 tỷ USD và Oshkosh sẽ bắt đầu bàn giao xe trong vòng 10 tháng, kể từ thời điểm hiện nay.
John Bryant, Phó Chủ tịch phụ trách chương trình quốc phòng của Oshkosh, nói rằng các nhà thiết kế xe mới sẽ tập trung chú ý tới mối đe dọa từ nhiều loại bom vệ đường. Không giống như chiếc Humvee, nhiều thành phần của chiếc JLTV được thiết kế để phân mảnh, nhằm phân tán lực nổ tránh khỏi khoang chở người, giúp bảo vệ tối đa mạng sống người lính.
"Nhiều phần của chiếc xe này sẽ bắn tung tóe (khi trúng bom)" - Bryant nói với AFP - "Chúng được thiết kế để phản ứng như thế. Bạn sẽ thấy nhiều phần của chiếc xe bị hư hại nặng, nhưng khoang chở hàng giá trị nhất bên trong vẫn còn nguyên - và tổ lái sẽ sống sót."
Trong khi JLTV sử dụng công nghệ gì để đạt được điều như Bryant nói vẫn là bí mật, ông cho biết chiếc xe này được thiết kế dành cho tương lai. Điều này có nghĩa nó có khả năng biến đổi linh động, để đáp ứng các nhu cầu của quân đội trong tình hình mới.
Ví dụ, nó có thể được lắp tháp pháo với xạ thủ ngồi ở trong, hoặc gắn vũ khí điều khiển từ xa. Tương tự người ta cũng có thể lắp cho nó một động cơ lai dầu diesel/điện hoặc biến nó thành xe điều khiển từ xa. Hãy hình dung về khả năng của một đoàn xe như thế trong tương lai: Nếu chiếc đi đầu được điều khiển từ xa và trúng bom vệ đường, sẽ chẳng có ai bị thương cả.
Xe JLTV của Oshkosh có một chiếc cản trước xe khá đồ sộ, bảo vệ tốt động cơ chạy dầu diesel dung tích 6,6 lít của nó. Chiếc xe cũng được bọc thép và có các cửa sổ nhỏ chống đạn. Xe này khá nhanh nhẹn, với tốc độ nhanh hơn 70% các loại xe quân sự khác trên địa hình khó, gập ghềnh. Nó cũng khá nhẹ và có thể vận chuyển được bằng đường không, nhờ trực thăng CH-47 Chinook.
Dần khai tử một huyền thoại
Giống như chiếc Humvee đã được nhiều quân đội nước ngoài đón nhận, Bryant cho biết vài quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm tới JLTV. "Sắm xe được bảo vệ (bằng giáp) kết hợp khả năng vượt địa hình xuất sắc dường như là nhu cầu chung" - ông nói.
Sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, kéo dài từ năm 1990 tới 1991, chiếc Humvee trở nên nổi tiếng thế giới, khi các đội phóng viên truyền hình ghi cảnh nó phóng qua nhiều đụn cát sa mạc.
Chiếc xe này, với tên kỹ thuật là HMMWV, nổi tiếng ở Mỹ tới mức hãng AM General đã tạo ra một phiên bản dân sự có tên Hummer. Một trong những nhân vật đầu tiên mua chiếc xe này người hùng cơ bắp Arnold Schwarzenegger.
Nhưng dù quân đội vẫn duy trì một đội xe Humvee, con số loại xe này sẽ dần giảm xuống. Dù sao AM General có thể được an ủi phần nào, bởi Humvee vẫn rất được quân đội nước ngoài ưa chuộng - năm ngoái, chính quyền Mỹ đã thông qua việc bán 3.300 chiếc Humvee cho quân đội Mexico.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa