A+ A A- Kiểu đọc sách

Phóng viên chiến trường thi nhau 'né' Nhà nước Hồi giáo

07:15 14/10/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hoạt động bắt cóc, chặt đầu và sự thù ghét báo chí đã khiến những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) trở thành "hố đen tin tức", nơi mà ngay cả các phóng viên chiến trường giàu kinh nghiệm cũng không dám lui tới.

Phát biểu bên lề lễ trao giải Bayeux-Calvados thường niên cho các phóng viên chiến trường ở Tây Bắc Pháp, nơi 3/7 giải được trao cho hoạt động đưa tin về cuộc xung đột ở Syria, ngay cả những phóng viên kỳ cựu, đã được thử lửa chiến tranh, cũng thừa nhận việc không thể đưa tin ở những khu vực IS nắm quyền kiểm soát.

"Cuộc chiến không có nhân chứng"

"Chúng tôi không biết có chuyện gì diễn ra ở Fallujah, ở Ramadi, ở Mosul - các thành phố lớn của Iraq" - Jean-Pierre Perrin, phóng viên tờ nhật báo Liberation cho biết - "Đây là một cuộc chiến không có các nhân chứng".

Từ tháng 6 năm nay, các tay súng cực đoan của IS đã tổ chức nhiều cuộc tấn công chớp nhoáng ở Tây Bắc Iraq và chiếm được thành phố Mosul lớn thứ 2 đất nước. Chúng cũng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria.


Nhiếp ảnh gia Laurent Van der Stock khẳng định ông sẽ không lai vãng tới các vùng đất IS kiểm soát

Chúng không chỉ hành quyết những người bản địa nào dám cản đường tiến mà còn chặt đầu cả các phóng viên và nhân viên cứu trợ Anh, Mỹ, bất chấp sự phẫn nộ của thế giới. Kết quả là ngay cả những phóng viên chiến trường dày dạn kinh nghiệm nhất cũng từ chối tìm tới những khu vực IS đang hoạt động.

Phóng viên ảnh Laurent Van der Stockt, người giành vài giải thưởng nhờ đưa tin về Syria và nổi tiếng có lắm quan hệ ở đây, đã tuyên bố ông sẽ không lai vãng tới các vùng đất do IS kiểm soát. Jean-Philippe Remy, phóng viên tờ Le Monde đã đi cùng Van der Stockt vào Syria hồi năm 2013 đánh giá quyết định lánh xa các vùng đất của IS giống như "một sự thất bại", tình thế mà các phóng viên chiến trường hiện chưa thể thay đổi. "Tình hình trở nên vô cùng phức tạp, khi người phóng viên trở thành một con mồi hoặc là một thành phần của cỗ máy tuyên truyền" - ông nói.

Christophe Deloire, lãnh đạo tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB) cho biết IS đã giữ được lớp màn bí ẩn quanh lực lượng này nhờ triển khai chính sách bạo lực nhằm vào các phóng viên.

Kết quả là người ta chỉ có thể biết về cuộc xung đột thông qua các nguồn tin gián tiếp.


Sự thay đổi ý thức hệ đã khiến IS coi phóng viên như kẻ thù và tạo ra các "hố đen thông tin" ở những vùng đất lực lượng này nắm quyền kiểm soát

Mối nguy từ sự dịch chuyển ý thức hệ

Jon Randal, một phóng viên có 30 năm làm việc cho tờ Washington Post và là chủ tịch ban giám khảo giải Bayeux-Calvados năm nay, cho biết ông "rất bi quan". "Không chỉ bởi chúng tôi chẳng thể tới đó, mà còn bởi các nhóm cực đoan kia đã làm chủ mọi dạng truyền thông và mạng xã hội hiện đại" - ông nói về khả năng của các chiến binh IS trong việc dùng Internet để phát tán thông điệp chúng muốn và tuyển mộ thêm thành viên mới.

Gần đây phóng viên Medyan Dairieh của trang Vice News gây chú ý khi có 3 tuần ở cùng IS để đưa tin về hoạt động của lực lượng này. Nhưng phim tài liệu do anh làm ra đã gây không ít tranh cãi. "Đôi khi hình ảnh trong đoạn phim giống như do chính IS tự quay vậy"- Van der Stockt nhận xét.

RWB cảnh báo rằng đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng hố đen thông tin. Tổ chức chỉ ra một số khu vực khác mà phóng viên không được hoặc khó tiếp cận như Eritrea và tỉnh Baluchistan của Afghanistan.

Tuy nhiên theo Perrin, người từng có thời gian đưa tin về Afghanistan trong giai đoạn Liên Xô đưa quân tới đây, đã có "sự dịch chuyển về ý thức hệ" liên quan tới IS.

"Đi cùng các tay súng Mujahideen trước đây mang tới không ít rủi ro: anh có thể thiệt mạng vì trúng đạn của lính Liên Xô, đạp lên mìn hoặc là nạn nhân của hoạt động ném bom. Nhưng khi đó anh không phải lo việc sẽ bị bắt cóc, đánh đập, tra tấn và hành quyết. Họ không hề xem các phóng viên báo chí là kẻ thù" - ông nói.

Remy đánh giá tình hình hiện nay liên quan tới IS giống với những gì diễn ra ở Somalia. "Có những giai đoạn đầu ở Somalia, tình hình cũng rất nguy hiểm. Nhưng sự nguy hiểm nằm ở mức chấp nhận được, ví dụ chuyện một tay thủ lĩnh bất ngờ nổ súng bắn lung tung" - Remy nói - "Nhưng sau đó yếu tố ý thức hệ xuất hiện và nhóm (Hồi giáo cực đoan) Shebab bắt đầu mở rộng ảnh hưởng. Họ tuyên bố chỉ muốn nói chuyện với các nhà báo có quan điểm ngả về phía Somali, ngả về người Hồi giáo... Kể từ sau thời điểm đó, đã không còn có bất kỳ bài viết sâu sắc nào xuất hiện nữa".

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...