Phát lộ một trong những mỏ vàng, bạc và đồng lớn nhất thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/6, Bộ Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Ecuador thông báo nước này đã phát hiện ra một mỏ ngầm - đặt tên là mỏ Alpala - có trữ lượng vàng, bạc và đồng rất lớn, với quy mô có khả năng được đánh giá là một trong những mỏ khoáng sản quý lớn nhất thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, thông cáo của bộ trên cho hay, mỏ Alpala được phát hiện trong dự án khai thác mỏ “Cascabel”, tại tỉnh miền Bắc Imbabura, được các chuyên gia đánh giá thuộc nhóm các mỏ “cấp 1” – là nhóm mỏ “hiếm”, nhưng có trữ lượng chiếm hơn 1/2 sản lượng đồng trên toàn thế giới.
Giám đốc điều hành của công ty Solgold, nhà điều hành mỏ Alpala, ông Jason Ward (Giây-xơn Uốt), công bố báo cáo về các kết quả đánh giá kinh tế sơ bộ cho hay, mỏ ngầm Alpala có thể chứa trữ lượng bạc nhiều nhất thế giới, trữ lượng vàng nhiều thứ 3 và chứa trữ lượng đồng lớn thứ 6 thế giới.
Cụ thể, dự án nghiên cứu đánh giá trữ lượng đồng có thể đạt khoảng 10,9 triệu tấn và 23 triệu ounce vàng. Ông Ward cho biết thêm thống kê vật liệu khoáng sản ước tính khoảng 240 tỷ tấn và nguồn vốn đầu tư cho dự án khai thác mỏ này có thể lên tới 26 tỷ USD.
Cũng theo ông Ward dự kiến trong 25 năm đầu, sản lượng các kim loại quý hàng năm đạt khoảng 207.000 tấn đồng, 430.000 ounce vàng và 1,4 triệu ounce bạc .
Bộ trưởng Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Ecuador Carlos Perez cho rằng, những dự án khai thác này mang tới nhiều lợi ích đáng kể về việc làm, cơ sở hạ tầng, thuế và thuế tài nguyên, cũng như đầu tư vào các dự án bồi thường xã hội và bảo vệ môi trường, đào tạo... cho Ecuador.
Ông Perez cho khẳng định Chính phủ Ecuador thúc đẩy khai thác mỏ “với sự bền vững về môi trường và xã hội, áp dụng các biện pháp tốt nhất để bảo vệ di sản thiên nhiên và đời sống con người, trong khuôn khổ đối thoại và giám sát”.
Các hoạt động khai thác mỏ và dầu khí tại Ecuador do chính phủ thúc đẩy là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính cho sự phát triển của quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, các cộng đồng bản địa và các nhà sinh thái Ecuador luôn phản đối vì cho rằng các hoạt động này đe dọa tới đa dạng sinh học của đất nước.
Lê Hiền/TTXVN