loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án phạt bị cáo Đỗ Thị Bích Hằng (sinh năm 1980, cựu thiếu tá công an, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) 8 năm tù và Đào Văn Tùng (sinh năm 1989, trú tại xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) 8 năm 6 tháng tù về cùng tội “Giết người”.
Sau gần 1 tháng hoãn xét xử, ngày 19/4, Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Như Kiểm cùng 3 đồng phạm, bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình truy tố về tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Bị cáo Đỗ Thị Bích Hằng là cựu thiếu tá công an, biên tập viên Truyền hình ANTV. Cuối năm 2016, Hằng được phân công trong tổ công tác của Ban chuyên đề Truyền hình ANTV về giải quyết việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo An trong khai thác mỏ của Công ty tại tỉnh Sơn La. Do đó, Hằng có quan hệ quen biết với anh Bùi Văn Ngọc (sinh năm 1975, ở thành phố Hà Giang) là giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo An.
Anh Ngọc có nói chuyện với Hằng việc anh Nguyễn Hoàng Long (sinh năm 1969, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đứng ra lo thủ tục giấy phép khai thác mỏ Angtimon cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo An. Do công ty của anh Ngọc chưa thanh toán số tiền 2,8 tỷ đồng mà anh Long ứng ra nên anh Long gây sức ép đòi tiền. Anh Ngọc nhờ Hằng đứng ra tư vấn pháp lý để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo An viết giấy nhận nợ số tiền trên của anh Long và Hằng đồng ý giúp.
Một thời gian sau, gia đình anh Ngọc bị một số đối tượng xăm trổ đến đe dọa, nói là "đòi nợ cho Long". Điều này khiến Hằng bức xúc và cho rằng anh Long cho người đến đòi tiền, đe dọa gây khó khăn cho Hằng và gia đình anh Ngọc, nên nảy sinh ý định đánh anh Long. Khi được Đào Văn Tùng (là người do Hằng nhờ bảo vệ) đặt vấn đề trực tiếp đánh anh Long, Hằng đã đồng ý và đưa tiền cho Tùng tổng cộng 11 triệu đồng để theo dõi anh Long.
Chiều 18/8/2017, khi phát hiện anh Long đi vào cửa hàng sửa xe máy trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Tùng đến gần, dùng súng săn chĩa về phía anh Long, bắn một phát. Anh Long né tránh về phía sau lưng anh Nguyễn Văn Mùi (thợ sửa xe) đang đứng gần đó nên các viên đạn bi trúng vào vùng bả vai gây thương tích cho anh Mùi. Bản thân anh Long không bị thương tích gì, còn anh Mùi bị thương tật tỷ lệ 10%.
Sau khi bắn anh Long, Tùng đã nhắn tin thông báo cho Hằng biết và xin tiền để bỏ trốn. Hằng đã chuyển vào tài khoản cho Tùng 30 triệu đồng để Tùng đi trốn.Trên đường bỏ trốn, Tùng mua ma túy đá về nhà nghỉ sử dụng. Tùng bị cơ quan công an bắt giữ khi y đến hát tại một quán Karaoke ở tỉnh Hòa Bình.
Hội đồng xét xử cho rằng có cơ sở khẳng định bị cáo Đỗ Thị Bích Hằng đã đưa tiền cho Đào Văn Tùng mua hung khí, thuê nhà và đi lại để theo dõi anh Long trước vụ nổ súng. Mặc dù nạn nhân bị thương tích không nặng nhưng hành vi các bị cáo rất nghiêm trọng. Hằng nguyên là sĩ quan công an, hiểu rõ sự nguy hiểm của việc dùng súng bắn người khác, nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi. Viên đạn không trúng anh Long là nằm ngoài ý muốn của 2 bị cáo.
Tòa nhận thấy hành vi của Hằng và Tùng có tính chất côn đồ, đồng phạm với nhau. Hằng là người khởi xướng, cung cấp các điều kiện cần thiết cho Tùng thực hiện tội phạm, Tùng là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội… nên cần được xử phạt nghiêm để cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.
Kim Anh (TTXVN)
loading...