loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo nước này đã ghi nhận thêm 29 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 15/3, mức tăng mạnh nhất trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong lên thành 120 ca kể từ dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1 tại Pháp. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 900 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 lên 5.400 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran tối 27/2 cho biết Pháp đã ghi nhận thêm 20 trường hợp nhiễm virus SARS-nCoV-2 trong vòng 24 giờ qua, đưa số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 38 người.
Số ca nhiễm mới tăng mạnh tại Pháp trong bối cảnh nước này đã tổ chức vòng 1 cuộc bầu cử địa phương với tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức thấp kỷ lục 45% do lo ngại dịch bệnh. Ông Veran cho biết các quan chức chính phủ dự kiến gặp các cố vấn khoa học trong những ngày tới để xác định xem liệu có tổ chức vòng 2 bầu cử địa phương vào ngày 22/3 hay không.
Nhằm hỗ trợ các bệnh viện phòng chống COVID-19, tập đoàn chuyên về sản phẩm xa xỉ LVMH của Pháp thông báo sẽ bắt đầu sản xuất dung dịch rửa tay khô tại 3 trong số các cơ sở sản xuất mỹ phẩm và nước hoa của tập đoàn tại nước này.
* Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, cùng ngày 15/3, nước Bỉ ghi nhận 197 ca mới mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số lên 886 ca, trong đó 4 người tử vong và 1 người được chữa khỏi. Bắt đầu từ ngày 14/3, Bỉ đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp cho các bệnh viện, theo đó, những đơn vị này ngừng vô thời hạn các ca tư vấn, thăm khám và phẫu thuật không khẩn cấp.
Cùng ngày 14/3, Bộ Ngoại giao Bỉ ra khuyến cáo các công dân không đi du lịch ra nước ngoài. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp cách ly hoặc đóng cửa biên giới, do đó việc đi qua biên giới như thường lệ là không thể đảm bảo được và nguy cơ công dân Bỉ bị mắc kẹt ở nước ngoài là rất cao.
* Tại Đức, tối 15/3 (theo giờ địa phương), Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Söder cho biết sẽ ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền Nam lớn nhất nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trên kênh truyền hình BR, ông Marcus Söder nhấn mạnh trước những thách thức đang tăng lên mỗi ngày, việc tuyên bố tình trạng thảm họa là cần thiết để chính quyền bang có một chiến lược thống nhất trong cuộc chiến chống sự lây lan nhanh của COVID-19. Tình trạng thảm họa, trước mắt sẽ có hiệu lực trong 14 ngày, cho phép nhà chức trách huy động và tập trung các cơ sở và máy móc y tế cho việc chữa trị bệnh nhân, kể cả sự tham gia của các bệnh viện quân y. Tuy nhiên, Thủ hiến Söder cho biết chưa tính tới kế hoạch phong tỏa khu vực ở Bayern, đồng thời kêu gọi người dân cân nhắc việc đi lại của mình.
Cho đến thời điểm này, chính quyền bang Bayern đã cho đóng cửa toàn bộ trường học và nhà trẻ cũng như các địa điểm tụ tập đông người nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Dự kiến, các quán bar, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, vườn bách thú sẽ đóng cửa từ 17/3, trong khi thời gian mở cửa các cửa hàng, siêu thị cũng sẽ được điều chỉnh. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và thủ hiến một số bang của Đức đã điện đàm, nhất trí đóng cửa biên giới với 5 nước láng giềng gồm Pháp, Thụy Sĩ, Luxemboug, Áo và Đan Mạch, bắt đầu từ 8h sáng ngày 16/3 theo giờ Đức, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa và người đi làm cố định qua biên giới vẫn đảm bảo lưu thông.
Tính đến hết ngày 15/3 (theo giờ địa phương), trên cả nước Đức ghi nhận 5.813 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 13 trường hợp tử vong, trong đó riêng bang Bayern có 886 người nhiễm và 4 ca tử vong. Cho đến nay, Nordrhein-Westfalen là bang có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất với hơn 2.100 người và 6 trường hợp tử vong. Trong khi đó, thủ đô Berlin ghi nhận có 283 trường hợp nhiễm bệnh.
* Cùng ngày, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo nước này và Tây Ban Nha sẽ hạn chế hoạt động di chuyển của cả người và hàng hóa do đại dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra sau khi ông Costa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Trong ngày 16/3, Bộ Nội vụ hai nước sẽ công bố chi tiết về biện pháp hạn chế này. Cũng trong ngày 15/3, Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha thông báo nước này hạn chế tổ chức các sự kiện có trên 100 người tham dự.
Tính đến ngày 15/3, Bồ Đào Nha xác nhận 245 ca mắc COVID-19. Trong khi đó, Tây Ban ghi nhận thêm 1.407 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 7.798 ca.
* Cùng ngày, thông báo của Cơ quan báo chí điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký quyết định thành lập Nhóm làm việc của Hội đồng Nhà nước về chống lây lan dịch bệnh COVID-19.
Tổng thống Nga cũng phê chuẩn thành phần của Nhóm làm việc gồm 19 người do Thị trưởng thành phố Moskva Sergei Sobyanin đứng đầu. Ông Putin cũng đề nghị người đứng đầu các khu vực bị đe dọa bởi COVID-19 tham gia vào hoạt động của Nhóm làm việc. Tính đến hết ngày 15/3, tại Nga đã ghi nhận 63 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 60 người Nga, 1 người Italy và 2 công dân Trung Quốc.
* Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết chính phủ nước này đã cấm người dân tự do đi lại kể từ nửa đêm 15/3 đến 6h ngày 24/3 tới. CH Séc là quốc gia châu Âu thứ 4, sau Italy, Tây Ban Nha và Áo, thực hiện biện pháp này.
Lệnh cấm đi lại tự do trong nước không áp dụng cho việc đi công tác và các cơ sở chăm sóc sức khỏe, gặp gỡ gia đình hoặc người thân nếu cần và cho các nhu cầu cơ bản cho sinh hoạt hàng ngày (như thực phẩm, thuốc và thiết bị y tế, vệ sinh, mỹ phẩm và các mặt hàng dược phẩm khác, thực phẩm và vật tư khác, dịch vụ ngân hàng và bưu chính). Theo ông Babis, chính phủ nước này đã áp dụng kiểm dịch trên toàn quốc đối với COVID-19 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo lệnh kiểm dịch, bất cứ ai sinh sống tại Cộng hòa Séc sẽ bị cấm đi ra ngoài nơi cư trú ngoại trừ trong một số trường hợp như đi làm và trở về nhà cũng như mua thực phẩm và vật tư. Các cá nhân cũng được yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người khác ở mức độ thấp nhất có thể. Bất cứ ai khi tiếp xúc với người khác phải duy trì khoảng cách ít nhất 2 mét và sử dụng các khoản thanh toán không dùng tiền mặt.
Các biện pháp kiểm dịch cũng khuyến nghị người sử dụng lao động tạo điều kiện cho nhân viên có thể làm việc tại nhà nếu có thể. Các chủ cửa hàng phải tiến hành các biện pháp tăng cường đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là khử trùng. Trước đó, Chính phủ Séc đã yêu cầu đóng cửa hầu hết các cửa hàng, nhà hàng và quán rượu kể từ ngày 14/3 đến ngày 23/4. Những cửa hàng bán thực phẩm, đồ điện, thuốc và cây xăng sẽ vẫn hoạt động bình thường. Séc cũng tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh với người nước ngoài trong khi công dân nước này sẽ không được phép xuất cảnh từ ngày 16/3. Đến nay, Séc có 293 trường hợp mắc COVID-19 và chưa ghi nhận ca tử vong nào.
* CH Cyprus tuyên bố sẽ tiếp tục siết chặt các lệnh hạn chế nhập cảnh và đóng cửa một loạt công ty, trong đó có nhiều khách sạn nhằm kiểm soát dịch bệnh.
* Tương tự, Chính phủ Slovenia thông báo sẽ đóng cửa tất cả các quán bar, nhà hàng, trung tâm thể thao, tiệm làm tóc, rạp chiếu phim và đa số các cử hàng từ ngày 16/3.
Kim Chung - Anh Đức - Hồng Quân - Nguyễn Hằng/TTXVN
loading...