loading...
(TT&VH) - Báo chí nhiều nước mô tả đó là “một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Cuba” khi ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định cho phép kiều dân Cuba sống tại xứ cờ hoa được thường xuyên trở về “Hòn đảo tự do”, gửi thêm ngoại tệ, hàng hóa cho gia đình họ ở quê hương và mở rộng thông tin liên lạc giữa công dân hai nước. Ông Obama cũng đã ra lệnh cho các bộ Ngoại giao, Ngân khố và Thương mại xúc tiến việc thực thi những biện pháp nới lỏng cấm vận Cuba.
Hủy bỏ những hạn chế của chính quyền Bush
Như vậy Tổng thống Obama đã bãi bỏ một số quy định mà người tiền nhiệm George W.Bush áp đặt từ tháng 6/2004, vốn chỉ cho phép những người Cuba tại Mỹ có thân nhân trực tiếp ở Cuba (ông bà, bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em và cháu ruột ) được trở về quê hương 3 năm một lần, mỗi lần lâu nhất là 14 ngày và mỗi ngày không chi tiêu quá 50 USD. Tháng 3 vừa qua, Quốc hội Mỹ có mở rộng thêm đôi chút diện thân nhân mà người Cuba tại xứ cờ hoa được về thăm ở quê hương tới chú, bác, cô, dì, anh em họ, và mỗi năm có thể đi một lần.
Với các quyết định vừa công bố của tân Tổng thống Obama, những quy định liên quan đến việc thăm thân nhân đối với kiều dân Cuba tại Mỹ mới bước đầu thực sự được nới lỏng. Theo đó từ nay trở đi, những người Cuba tại Mỹ, kể cả thuộc thế hệ thứ ba, có thể trở về quê hương bao nhiêu lần cũng được và ở lại bao lâu tùy thích. Cũng theo tinh thần đó, người Cuba tại Mỹ có thể thoải mái gửi ngoại tệ cho thân nhân ở quê nhà và tăng thêm số lượng gửi các gói hàng nhân đạo, điều mà trước đây chính quyền của ông George W.Bush cũng hạn chế. Thí dụ, lệnh cấm gửi quần áo, hạt giống và đồ đánh cá của chính quyền Bush đã được xóa bỏ. Mặt khác, hàng hóa có thể được gửi tới bất kỳ ai, trừ những quan chức trong bộ máy cầm quyền của Cuba.
Sắp tới sẽ có nhiều kiều dân Cuba ở Mỹ được về thăm quê hương
(trong ảnh là một nhà thờ ở Havana, thủ đô Cuba)
Khía cạnh thứ ba của việc nới lỏng lệnh cấm vận là tăng cường các cuộc tiếp xúc và thương lượng giữa hai nước nhằm đưa những dịch vụ điện thoại và thông tin vào hoạt động.
Hiện nay có khoảng 1,5 triệu người Cuba đang sống tại Mỹ và hàng năm họ gửi về quê hương số lượng kiều hối khoảng 1 tỷ USD. Với những biện pháp nới lỏng của ông Obama, lượng kiều hối gửi về Cuba dự kiến sẽ nhanh chóng tăng thêm 500 triệu USD, trong khi số lượng kiều dân Cuba ở Mỹ về thăm quê nhà, từ 130.000 người trước đây, sẽ tăng lên gấp ba lần. Đó là chưa kể mỗi người về Cuba đều có thể mang theo 3.000 USD, chứ không phải chỉ 1.000 USD như trước kia.
Mặt khác, các biện pháp nói trên về lâu dài sẽ mở ra những khả năng mới về trao đổi thương mại giữa hai nước và điều đó cũng có lợi cho các công ty của Mỹ vốn vẫn coi Cuba là một thị trường béo bở.
Nhưng vẫn chưa bỏ bao vây, cấm vận
Mặc dù có một số biện pháp nới lỏng hạn chế vừa nêu, nhưng điều cốt lõi là chính quyền Mỹ hiện vẫn giữ lệnh bao vây, cấm vận Cuba được thông qua từ năm 1962. Mặt khác, ông Dan Restrepo, cố vấn cho Tổng thống Obama về khu vực Mỹ Latin, đã công khai nói rõ mục đích của các biện pháp vừa nêu là “ủng hộ ước muốn của nhân dân Cuba được sống với sự tôn trọng các quyền con người, được quyết định vận mệnh của mình và đất nước”. Ông Restropo còn nói: “Tất cả những ai tin vào các giá trị cơ bản của dân chủ đều mong muốn một Cuba tôn trọng quyền con người, chính trị, kinh tế... Tổng thống Obama cho rằng các biện pháp này sẽ biến những mục tiêu nói trên thành hiện thực. Tổng thống kêu gọi tất cả những ai chia sẻ ước vọng này tiếp tục ủng hộ nhân dân Cuba”.
Qua tuyên bố nói trên, có thể thấy những biện pháp vừa nêu vẫn mang một đích bất di bất dịch: thay đổi chế độ hiện nay ở Cuba - điều mà cuộc bao vây, cấm vận áp đặt từ gần 50 năm qua đã không thể làm được.
Fidel: Sẵn sàng bình thường hóa quan hệ trên cơ sở tôn trọng chủ quyền
Phản ứng về sự kiện này, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã có bài viết nhan đề “Họ đã không nói một lời nào về cuộc bao vây”, nhưng khẳng định: “Nhà nước Cuba sẵn sàng đối thoại với ông Obama trên cơ sở tôn trọng triệt để chủ quyền, và bình thường hóa quan hệ với Mỹ”.
Bài báo viết: “Về cuộc bao vây, là biện pháp tàn bạo nhất, họ đã không nói một lời nào... Thiệt hại của cuộc bao vây không chỉ được tính bằng những tác động kinh tế, mà còn bằng cuộc sống của con người, gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho người dân của chúng ta”.
Lãnh tụ Fidel còn nêu rõ trong những năm vừa qua, “nhiều thiết bị chẩn đoán và thuốc chữa bệnh đã không đến được với các bệnh nhân Cuba dù có nguồn gốc từ châu Âu hay Nhật Bản, nếu chúng sử dụng chi tiết phụ tùng hoặc chương trình của Mỹ”.
Lãnh tụ Fidel: “Mỹ vẫn chưa đả động tới cuộc bao vây”
Cựu Chủ tịch Cuba cho biết ông Richard Lucas và một số thượng nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa cũng như Đảng Dân chủ đã bày tỏ mong muốn bãi bỏ cuộc bao vây. Theo lãnh tụ Fidel: “Đã có những điều kiện để ông Obama sử dụng tài năng của mình trong một chính sách xây dựng nhằm chấm dứt một chính sách thất bại trong 50 năm qua”. Bài báo viết tiếp: “Cuba không đổ lỗi cho ông Obama về những tội ác mà các chính quyền khác của Mỹ đã phạm phải. Cuba cũng không nghi ngờ về sự chân thành và ước vọng của ông Obama muốn thay đổi chính sách cũng như hình ảnh của nước Mỹ. Cuba hiểu rõ ông Obama đã phải tiến hành một trận chiến rất khó khăn để được bầu làm tổng thống, bất chấp những thành kiến của hàng trăm năm nay. Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba (Raul Castro) đã bày tỏ sẵn sàng đối thoại với ông Obama, và trên cơ sở tôn trọng triệt để chủ quyền, sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ”.
Hy vọng những động thái mới vừa nêu sẽ dẫn đến sự tiến triển tích cực trong quan hệ Mỹ - Cuba, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân hai nước.
Lưu Vạn Kha
loading...