loading...
Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức đề cử ông John Kerry - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là ứng cử viên của đảng Dân chủ tranh chức tổng thống năm 2004 - làm ngoại trưởng Mỹ thay bà Hillary Clinton, đồng thời gọi viên thượng nghị sĩ kỳ cựu này là "sự lựa chọn hoàn hảo" cho vị trí ngoại trưởng Mỹ khi ông bắt đầu tiến hành sắp xếp lại đội ngũ an ninh quốc gia cho nhiệm kỳ tổng thống lần hai của mình.
Ông Obama đã bổ nhiệm ông Kerry sau khi bà Susan Rice - Đại sứ Liên hợp quốc - rút tên khỏi danh sách ứng cử chức ngoại trưởng hồi tuần trước.
Với việc ông Kerry sát cánh bên mình, ông Obama tin rằng vị thượng nghị sĩ này - người tích cực ủng hộ ông và đã từ lâu mong muốn giữ vị trí hàng đầu trong Bộ Ngoại giao Mỹ - sẽ nhanh chóng nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện.
Ông Obama nói: "Khi chúng ta bước ra khỏi thập kỷ của chiến tranh, ông Kerry hiểu rằng chúng ta cần phải tận dụng mọi nguồn lực của Mỹ và đảm bảo mọi thế mạnh của Mỹ cùng phát huy hiệu quả. Ông Kerry đã có được sự tôn trọng và tín nhiệm của các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới. Ông ấy sẽ không cần phải quá nỗ lực mà vẫn làm tốt vai trò ngoại trưởng."
Tuy nhiên, ông Kerry cũng sẽ phải tìm cách khôi phục uy tín của ngành ngoại giao Mỹ sau khi một cuộc điều tra chính thức đã phát hiện ra những sai sót nghiêm trọng về an ninh của Bộ Ngoại giao trong một vụ tấn công gây chết người nhằm vào phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Benghazi (Libya) hôm 11/9.
Bên cạnh đó, ông sẽ là thành viên Nội các hàng đầu phụ trách giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu, từ cuộc biến động ở Trung Đông cho tới sự bế tắc về vấn đề hạt nhân của Iran với phương Tây cũng như việc giảm dần hoạt động tham chiến ở Afghanistan. Ông sẽ phải giải quyết tất cả các vấn đề này vào giữa lúc Mỹ đang thực hiện chương trình "thắt lưng buộc bụng" về tài chính ở trong nước.
Trên trường quốc tế, ông Kerry là một gương mặt quen thuộc với các nhà lãnh đạo trên thế giới - những người được coi là có vai trò then chốt đối với các lợi ích của Mỹ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói: "Ông Kerry quen biết hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới. Vì vậy, khi tới một đất nước, ông ấy sẽ không còn là một người lạ đối với giới lãnh đạo nước đó."
Còn Tổng thống Obama khẳng định: "Công bằng mà nói thì hầu như không có ai quen biết nhiều tổng thống và thủ tướng, hoặc nắm chắc các chính sách đối ngoại của chúng ta, như ông John Kerry. Và điều này khiến ông ấy trở thành một sự lựa chọn hoàn hảo để lãnh đạo ngành ngoại giao của Mỹ trong những năm tới."
Là con trai của một nhà ngoại giao và là phái viên không chính thức của ông Obama, ông Kerry đã dành hàng giờ trong dinh thự tổng thống ở Kabul để thuyết phục Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đồng ý tiến hành cuộc bầu cử bổ sung vào mùa Thu năm 2009. Mối quan hệ này sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong những tháng sắp tới, khi Chính quyền Obama rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan sau hơn một thập kỷ chiến tranh.
Tại Pakistan, ông Kerry đã giúp xóa tan sự tức giận của nước này sau khi Mỹ bất ngờ đột nhập vào Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi tháng 5/2011. Các mối quan hệ không mấy suôn sẻ này giữa Washington và Islamabad sẽ là sự ưu tiên đối với ông Kerry khi ở vị trí ngoại trưởng Mỹ.
Trong suốt thời gian công tác tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Kerry đã thúc đẩy việc cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân, "dẫn đường chỉ lối" để hiệp ước Mỹ-Nga được Thượng viện thông qua hồi tháng 12/2010, nêu vấn đề thay đổi khí hậu như một mối đe dọa về an ninh quốc gia, và góp phần cùng với đảng Cộng hòa trong quá trình làm luật - vốn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại để có thể được Quốc hội thông qua.
Ông là người đã dẫn đầu các phái đoàn của Mỹ tới Syria và đã một vài lần gặp Tổng thống Syria Bashar al Assad. Tìm cách chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này sẽ cần tới tất cả các kỹ năng của ông Kerry.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez - người có khả năng sẽ lên đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại - cho rằng các mối quan hệ cấp cao mà ông Kerry "đã gây dựng được với các nhà lãnh đạo thế giới sẽ giúp ông thẳng tiến vào vị trí ngoại trưởng và đảm bảo rằng sẽ không có bất cứ sự phản đối nào trong giới lãnh đạo của Mỹ về việc chuyển giao nhân sự này".
Tuy nhiên, mặc dù ông Kerry đã giúp ông Obama dập tắt "những đám cháy ngoại giao", song ông cũng là một trong những người tiên phong can thiệp vào rất nhiều cuộc khủng hoảng. Cùng với thượng nghị sĩ John McCain, ông Kerry là người ban đầu đề xuất chính sách mạnh tay hơn đối với Libya, thúc giục sử dụng các lực lượng quân sự để áp đặt "vùng cấm bay" ở Libya khi các lực lượng vũ trang của cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi giết hại dân thường và những người nổi dậy.
Ông cũng là một trong những người đầu tiên lên tiếng kêu gọi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức trong bối cảnh cuộc cách mạng diễn ra sôi nổi ở nước này hồi năm ngoái. Quan điểm mang tính độc lập này của ông có thể sẽ dịu đi một khi ông đảm nhận vai trò của nhà ngoại giao hàng đầu trong Chính quyền Obama.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Burr nói: "Ông Kerry sẽ thích ứng tốt với hoàn cảnh mới. Tôi cho rằng ông ấy đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị trở thành một ngoại trưởng giỏi... Tôi không thấy có bất cứ mặt tiêu cực nào đối với sự lựa chọn này".
Theo Vietnam+
loading...