A+ A A- Kiểu đọc sách

Nixon đã ngấm ngầm phá hoại hòa đàm Paris

07:08 18/03/2013
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng loạt đoạn băng ghi âm các cuộc điện thoại của Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson vừa được giải mật và công bố, đã cung cấp nhiều thông tin thú vị, như việc ông định tham gia trở lại cuộc đua Tổng thống Mỹ.... Và nhất là việc ông phát hiện đối thủ Richard Nixon, khi đó là ứng viên của đảng Cộng hòa, đã phá hoại đàm phán hòa bình trong chiến tranh Việt Nam, nhưng cuối cùng Johnson lại chẳng nói gì về chuyện này.

Sau khi được giải mật hồi năm 2008, các đoạn băng ghi âm này đã được thư viện Lyndon Baines Johnson lần lượt công bố theo nhiều đợt.

Ý định tranh cử bất ngờ của Johnson

Richard Nixon

Đợt công bố cuối cùng vừa diễn ra, đã cho phép thế giới biết thêm nhiều hơn về các hoạt động mang tính riêng tư của Johnson vào thời điểm đảng Dân chủ lúc đó đang cấu xé nhau trên vấn đề chiến tranh Việt Nam.

Đại hội Đảng Dân chủ tổ chức ở Chicago vào năm 1968 đã hoàn toàn rơi vào cảnh hỗn loạn. Hàng chục ngàn người biểu tình phản chiến đã đụng độ với cảnh sát của Thị trưởng Richard Daley, quyết tâm buộc Đảng Dân chủ phải bác bỏ chiến lược chiến tranh Việt Nam của Johnson.

Lúc này Johnson đang ở trang trại của ông ở Texas, sau khi tuyên bố trước đó 5 tháng rằng sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Tổng thống lo lắng trước tình trạng bạo lực liên quan tới các cuộc đụng độ và sợ rằng các đại biểu dự hội nghị Đảng Dân chủ sẽ dựa vào đó để bác chính sách chiến tranh của ông, loại bỏ người kế nhiệm do ông lựa chọn là Hubert Humphrey

Vì thế ông đã thực hiện một loạt cuộc gọi cho các nhân viên ở trung tâm hội nghị để vạch ra một kế hoạch gây bất ngờ. Ông có ý định bay từ Texas tới Chicago và rồi tham dự hội nghị. Tại đó, ông sẽ tuyên bố tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ hai. Nếu Johnson làm vậy, ông sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc bầu cử 1968. Các nhân viên của ông phải thề giữ kín bí mật và ngay cả vợ ông cũng không biết chồng đang làm gì.

Thông qua các đoạn băng mới giải mật, người ta mới biết rằng Johnson đã hỏi Daley về việc có bao nhiêu đại biểu sẽ ủng hộ nếu ông ra tranh cử. Johnson chỉ muốn trở lại cuộc đua nếu Daley có thể đảm bảo việc Đảng Dân chủ sẽ đứng sau lưng ông. Hai người cũng thảo luận về việc liệu chiếc trực thăng của Tổng thống là Marine One, có thể hạ cánh trên nóc Khách sạn Hilton để tránh người biểu tình phản chiến.

Daley đã khẳng định với Johnson rằng sẽ có đủ người ủng hộ ông. Nhưng cuối cùng kế hoạch đã bị hủy bỏ, sau khi Mật vụ Mỹ cảnh báo Tổng thống rằng họ không thể đảm bảo sự an toàn của ông.

Ngầm phá hoại hòa đàm

Và ý tưởng Johnson trở lại cuộc đua chỉ là một trong nhiều bí mật nằm trong các đoạn băng ghi âm Nhà Trắng. Trong các đoạn băng, người ta còn thấy một vụ bê bối lẽ ra đã có thể đánh chìm sự nghiệp của đối thủ Richard Nixon, thành viên Đảng Cộng hòa.

Cụ thể, vào thời gian diễn ra cuộc bầu cử tháng 11/1968, Johnson đã có chứng cứ về việc Nixon đang phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình trong chiến tranh Việt Nam. Ông nói rằng Nixon đã phạm tội phản quốc và "có máu dính trên tay mình".

Chuyện bắt đầu vào mùa Hè năm 1968. Khi đó, Nixon sợ rằng sẽ có một sự đột phá đạt được tại Hội nghị nhằm tìm giải pháp giải quyết chiến tranh Việt Nam và diễn biến này có thể hủy hoại chiến dịch tranh cử của ông ta.

Vì thế, Nixon đã thành lập một lực lượng vận động ngầm gồm Anna Chennault, cố vấn cao cấp trong chiến dịch tranh cử của ông ta. Tại một cuộc họp tại căn hộ của Nixon ở New York vào tháng 7 năm đó, đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ được thông báo rằng Chennault là người đại diện của Nixon. Nếu bất kỳ thông tin này cần được chuyển tới cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, các thông tin sẽ phát qua Chennault.

Cuối tháng 10/1968, đã có những dấu hiệu sẽ có đột phá xuất hiện tại Hội nghị Paris và Johnson có thể ngừng hoàn toàn việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Đây chính là điều Nixon lo sợ.

Chennault lập tức được cử tới gặp vị đại sứ Việt Nam Cộng hòa, cùng với một thông điệp rõ ràng: chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải rút khỏi hoạt động đàm phán, từ chối hợp tác với Johnson và nếu Nixon đắc cử, họ sẽ có được thỏa thuật tốt hơn rất nhiều.

Vì thế, ngay khi chuẩn bị tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, Johnson nhận tin chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang rút khỏi đàm phán.

Ông cũng được cho biết nguyên nhân. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã nghe lén điện thoại ở nhà viên đại sứ và ghi lại được các cú điện thoại của Anna Chennault. Nội dung các cú điện này đã được chuyển thẳng tới Nhà Trắng. Trong một cuộc trò chyện, Chennault đã nói với viên đại sứ rằng hãy "cố gắng kéo dài cho tới hết cuộc bầu cử".

BBC nói rằng Hiệp định hòa bình Paris có thể đạt được sớm hơn nếu Nixon không ra tay phá hoại

Nếu công khai, Nixon có thể bị kết tội "phản quốc"

Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford cho Johnson biết rằng can thiệp vào hòa đàm như thế là bất hợp pháp và đe dọa cơ hội thiết lập hòa bình. Johnson lập tức phản ứng, bằng cách gọi điện cho nhiều nhân vật có ảnh hưởng ở Mỹ.

Trong một cuộc điện thoại tới Thượng nghị sĩ Richard Russell của Đảng Dân chủ, ông nói: "Chúng tôi mới phát hiện ra rằng anh bạn của chúng ta, ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa... đã chơi trò lá mặt lá trái". Ông cũng nói thẳng rằng cố vấn Chennault của Nixon đã cảnh báo Việt Nam Cộng hòa không nên dính líu vào các hoạt động của Johnson.

Tiếp đó ông yêu cầu FBI giám sát hoạt động của Nixon và muốn tìm hiểu xem cá nhân Nixon có liên quan trực tiếp không. Khi Johnson biết chắc rằng toàn bộ mọi chuyện là do ứng cử viên của phe Cộng hòa tạo ra, ông đã gọi cho Thượng nghị sĩ Everett Dirksen, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện để cảnh cáo Nixon: Tổng thống đã biết chuyện và Nixon nên bỏ cuộc, bởi thủ đoạn của ông ta giống như tội phản quốc vậy.

Trước công luận, Nixon nói rằng ông ta không biết vì sao Việt Nam Cộng hòa rút khỏi đàm phán. Ông ta còn đề nghị tới Sài Gòn để mời họ trở lại bàn đàm phán. Johnson biết thừa đó chỉ là màn đạo đức giả, nhưng trong các cuộc trò chuyện với Clifford, ông lại ngần ngại tiết lộ hoạt động của Nixon. Nguyên do Tổng thống sợ rằng công chúng sẽ yêu cầu tiết lộ việc FBI đã nghe lén điện thoại của đại sứ và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã nghe lén các cuộc điện thoại của Nixon với Sàn Gòn. Vì thế Johnson đã quyết định sẽ không nói gì cả.

Dù vậy, Johnson vẫn cho Humphrey biết chuyện và cung cấp cho ông này đủ thông tin để hạ đối thủ. Nhưng khi đó, Humphrey được các trợ lý nói rằng ông đã thu hẹp khoảng cách với Nixon và có thể chiến thắng. Điều này khiến Humphrey quyết định không sử dụng tin mà Johnson cấp, bởi cho rằng chuyện tố cáo đối thủ phản quốc là đòn quá nặng, có thể gây xáo trộn lớn cho đất nước ngay cả khi phe Dân chủ thắng.

Nixon ra đòn trước, đảng Dân chủ phải trả giá

Và Humphrey đã phải trả giá khi Nixon đã ra đòn trước. Nixon kết thúc chiến dịch tranh cử khi tuyên bố rằng chính sách chiến tranh của chính quyền Johnson là một mớ hỗn độn. Chính quyền này quá kém cỏi tới mức không thể đưa Việt Nam Cộng hòa trở lại bàn đàm phán.

Kết quả là Nixon chiến thắng với tỷ lệ hơn chỉ chưa đầy 1% phổ thông đầu phiếu.

Khi đã nắm quyền, Nixon đẩy mạnh cuộc chiến sang Lào và Campuchia, khiến thêm 22.000 lính Mỹ bỏ mạng, trước khi đạt được một thỏa thuận hòa bình với miền Bắc Việt Nam vào năm 1973, điều đã từng nằm trong tầm với vào năm 1968.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...