A+ A A- Kiểu đọc sách

Những thói quen xấu khi đeo khẩu trang làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2

15:33 27/04/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn một năm qua, kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện và làm đảo lộn cuộc sống trên toàn thế giới, con người cũng dần hình thành thói quen mới để thích ứng, điển hình là việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Siêu máy tính Nhật Bản chứng minh tác dụng của đeo khẩu trang phòng chống Covid-19

Siêu máy tính Nhật Bản chứng minh tác dụng của đeo khẩu trang phòng chống Covid-19

Các mô phỏng qua siêu máy tính của Nhật Bản cho thấy việc đeo hai khẩu trang cũng chỉ đem lại lợi thế hạn chế đối với việc ngăn chặn virus lây lan nếu so sánh với một khẩu trang vừa vặn khuôn mặt.

Dần dần mọi người đều phải thừa nhận khẩu trang là công cụ tự vệ tuyệt vời trước virus nhưng liệu chúng ta đã sử dụng khẩu trang đúng cách và có khi nào một thói quen mà chúng ta thường làm trong vô thức khi sử dụng khẩu trang thực ra lại gây hại hay không? Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia về những thói quen có hại khi chúng ta sử dụng khẩu trang.   

Theo các chuyên gia, chỉ riêng việc hình thành thói quen đeo khẩu trang thôi là chưa đủ mà chúng ta cần chú ý tránh những thói quen xấu khi đeo khẩu trang thì mới có thể tận dụng triệt để lợi ích của chúng.

Ví dụ, có rất nhiều người thường tự động kéo khẩu trang xuống dưới cằm khi ăn hoặc uống, đeo khẩu trang trên khuỷu tay khi chạy hoặc đi bộ. Theo Tiến sĩ Grace Huang, từ DTAP Clinic (Singapore), việc đeo khẩu trang vào khuỷu tay hay cằm đều là những thói quen xấu, lợi bất cập hại.   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang ở Singapore. Ảnh minh họa - Nguồn: AFP/TTXVN

Tiến sĩ Catherine Ong, chuyên gia tư vấn về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore, giải thích bề mặt của khẩu trang là nơi tập trung nhiều vi khuẩn. Ở những người đã nhiễm virus, các vật chất lây truyền sẽ tích tụ trên các bề mặt tiếp xúc với khuôn mặt của họ. Hơn nữa, một chiếc khẩu trang đã qua sử dụng thường chứa những giọt bắn từ hệ hô hấp và nước bọt, vì vậy mặt trong của khẩu trang là môi trường lý tưởng cho virus tồn tại.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Huang, mặt ngoài của khẩu trang cũng không khá hơn vì đây là nơi tập trung những vi khuẩn, virus và bụi bẩn từ môi trường bên ngoài. Vì vậy, khi kéo khẩu trang xuống cằm đồng nghĩa rằng bề mặt ngoài của khẩu trang sẽ tiếp xúc với mặt, có thể là môi dưới, dẫn tới nguy cơ đưa mầm bệnh xâm nhập vào miệng và mặt của người dùng.   

Cũng theo Tiến sĩ Huang, việc đeo khẩu trang ở khuỷu tay hoặc cánh tay khi vận động thường rất tiện nhưng lại không phải là một ý tưởng hay. Dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mồ hôi có thể là môi trường lây lan virus SARS-CoV-2 nhưng khi ra mồ hôi, chúng ta thường vô thức đưa tay lên quệt mồ hôi trên mặt, làm gia tăng nguy cơ đưa mầm bệnh từ bàn tay hoặc cánh tay lên mắt, mũi và miệng.

Bên cạnh đó, khi đeo lại khẩu trang cũng là lúc nguy cơ mầm bệnh lên miệng cao hơn vì có thể các cánh tay đã tiếp xúc với nhiều bề mặt khác. Vậy đâu là cách tốt nhất để bảo quản khẩu trang khi bạn đi bộ hoặc chạy thể dục? Theo Tiến sĩ Huang, lựa chọn tốt nhất là mang theo một chiếc túi sạch để khẩu trang, tiện nhất là một chiếc túi zip có thể móc vào ốp điện thoại hoặc để vào túi quần của bạn.   

Ngoài ra, nhiều người tưởng rằng việc nhét khẩu trang vào túi hay điện thoại thay vì để trên mặt bàn sẽ bảo vệ khẩu trang tốt hơn nhưng theo các chuyên gia đây là thói quen không tốt. Tiến sĩ Huang cho biết túi xách, ví và điện thoại là những vật dụng bẩn nhất trong số các đồ dùng cá nhân.

Bạn tiếp xúc với các loại bề mặt rồi cầm điện thoại, mở ví, biến những vật dụng này thành vật trung gian truyền nhiễm. Việc gấp gọn khẩu trang trước khi nhét vào túi cũng không có ý nghĩa gì vì chúng hoàn toàn có thể bị xô lệch khi chúng ta di chuyển.   

Chất liệu khẩu trang cũng là một yếu tố khác cần chú ý. Những loại khẩu trang vải không có khả năng chống thấm nên vẫn thấm hút mồ hôi hoặc giọt bắn. Khi đó, khẩu trang trở thành những vật dụng tích tụ giọt bắn và mầm bệnh, có thể dễ dàng xâm nhập vào miệng và mũi khi người dùng đeo lại khẩu trang. Vì vậy, các chuyên gia khuyên dùng khẩu trang y tế, có bề mặt chống thấm và lọc khuẩn tốt hơn các loại khẩu trang vải.

Lê Ánh/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...