Những thách thức 'tư lệnh' ngành giao thông và thanh tra đối mặt khi ngồi 'ghế nóng'
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 26/10, đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu kín phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Lê Minh Khái.
- Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
- Sáng nay khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
Bên lề Quốc hội nhiều đại biểu bày tỏ kỳ vọng vào những tân “Tư lệnh” ngành được đặt vào những chiếc “ghế nóng”, khi mà hàng loạt dự án giao thông lớn, khó đang dang dở, còn đó những trạm BOT đang gây nhiều bức xúc trong dư luận hay cuộc chiến với tiêu cực, tham nhũng đang đòi hỏi ngày càng quyết liệt hơn.
“Tư lệnh” ngành giao thông phải có cái nhìn tổng thể
Cho rằng vị trí Bộ trưởng Giao thông Vận tải phải chịu nhiều áp lực, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích: Muốn phát triển nền kinh tế phải phát triển kết cấu hạ tầng trước, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Hệ thống hạ tầng giao thông nước ta hiện nay, từ đường bộ, đường thủy, hàng không đến đường sắt đều đang thiếu để phát triển một nền kinh tế bền vững trong khi nguồn lực nền kinh tế đang rất khó khăn.
Tìm nguồn lực cho phát triển trong lúc nợ công bắt đầu sát ngưỡng không phải là điều dễ dàng. Vay ngoài nước thì đụng trần nợ công, chỉ còn cách huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông.
Hiện có nhiều hình thức đầu tư, trong đó có BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cũng cần đánh giá khách quan rằng việc huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức BOT trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội với trên 171.300 tỷ đồng đã được huy động, trong đó các dự án đường bộ chiếm 90,2% (169.813 tỷ đồng/57 dự án).
Đến nay, cả nước đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ). “Sắp tới chúng ta phải tiếp tục dùng hình thức này để kêu gọi vốn của các nhà đầu tư. Muốn vậy phải giải bài toán BOT, khắc phục những hạn chế như vừa qua”, ông Sinh nói.
Với những tồn tại trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT đã được Chính phủ, Quốc hội đã chỉ ra vừa qua, ông Sinh cho rằng thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), trong đó có BOT. Việc này không chỉ đặt ra cho ngành Giao thông mà cả Chính phủ, Quốc hội là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Riêng ngành Giao thông phải chạy trước, vừa chạy, vừa xếp hàng chứ đợi pháp luật xong thì quá chậm”, theo ông Sinh.
Dẫn chứng từ dự án đường cao tốc Bắc – Nam sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, để tiếp tục làm phải sử dụng hình thức BOT vì nguồn lực ngân sách có hạn, ông Sinh nhận định Bộ Giao thông Vận tải vận dụng chính sách BOT như thế nào để đạt mục tiêu đề ra và trong bối cảnh thiếu cả cơ sở pháp lý và cả nguồn lực là một thách thức rất lớn. Bên cạnh đó, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu tạm thời, triển khai dự án sân bay Long Thành, quy hoạch hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu “đi trước một bước, bền vững cho vài chục năm sau” cũng đặt ra một loạt áp lực, thách thức lớn với ngành giao thông trong thời gian tới.
“Khó khăn nhất hiện nay là tìm bước đi cho phù hợp. Từ việc đặt ra quy hoạch, xem quy hoạch đã phù hợp chưa, bước đi như thế nào cho phù hợp với Việt Nam thì những điều ấy đòi hỏi Tư lệnh ngành phải có cái nhìn tổng thể”, ông Đỗ Văn Sinh cho hay.
Theo ông, là Tư lệnh của một ngành, phải đảm bảo được mục tiêu và chỉ tiêu của quốc gia, phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về lĩnh vực mà mình đảm nhiệm. Và, quan trọng hơn cả là phải am hiểu rất sâu về lĩnh vực chuyên môn, phải vì dân, vì nước, tâm phải trong sáng, chỉ đạo phải quyết liệt mới giải quyết được những vấn đề Đảng, Chính phủ, nhân dân đặt niềm tin vào.
Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ phải có trí minh, tâm sáng
“Mong muốn của nhân dân, đại biểu Quốc hội là người đứng đầu Thanh tra Chính phủ phải là người có trí minh, tâm sáng”, đây là ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân. Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Theo ông, trí là có năng lực, nhận biết đúng sai, mà muốn nhận biết đúng sai phải tinh thông đường lối chủ trương, pháp luật - những bệ đỡ về mặt tri thức để nhận biết đúng, sai.
Người đứng đầu cơ quan thanh tra phải nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật để định hướng giải quyết từng vụ việc cụ thể. Còn cái tâm là phải vì nước, vì dân, gạt bỏ những lợi ích, quan hệ; công tâm trong việc xác định từng trường hợp cụ thể và áp dụng vào từng trường hợp cụ thể để xử lý những tình huống vi phạm cho đúng pháp luật.
“Cơ thể” của cơ quan hành chính, hệ thống hành chính có khỏe được hay không chính là nhờ “thăm bệnh”, “hỏi bệnh”, “bốc thuốc” của Thanh tra Chính phủ. Nếu không xử nghiêm các vụ việc mà nhân dân quan tâm thì người đứng đầu ngành không đáp ứng được yêu cầu, vị trí của mình, không đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân - ông Vân nhận định.
Theo ông Lê Thanh Vân, vai trò của Thanh tra Chính phủ là kiểm soát nhánh hành pháp. Trong hoạt động hành pháp rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, tiêu cực, lạm quyền, trục lợi nên kiểm soát tốt được nội bộ, bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vấn đề vô cùng hệ trọng. Người đứng đầu cơ quan thanh tra là một mặt phải kiểm soát tốt tình hình chấp hành pháp luật của cả hệ thống; mặt khác, phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Nếu người làm công tác thanh tra lạm quyền, bẻ cong pháp luật thì người đứng đầu cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm.
Với công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước phát động, đòi hỏi với Tổng Thanh tra Chính phủ phải giải quyết một loạt vấn đề, phải cộng hưởng với các cơ quan của Đảng, đưa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho nhân dân.
TTXVN/Chu Thanh Vân