loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh rò rỉ phóng xạ ở nhà máy Fukushima chưa thể có những cách giải quyết hữu hiệu, nhiều người dân Nhật Bản vẫn chấp nhận sống gần khu vực dù chính phủ đã cảnh báo
Vẫn còn những cư dân bám trụ lại gần khu vực nhiễm phóng xạ ở Fukushima
Bất chấp rò rỉ phóng xạ ở khu vực nhà máy điện hạt nhân vẫn đang có những diễn biến phức tạp dù chính phủ Nhật Bản đã phải đích thân vào cuộc để đưa ra những cách giải quyết, công ty điện lực Tokyo (TEPCO) từng tiết lộ rằng hàng trăm tấn nước nhiễm phóng xạ trôi theo các mạch nước ngầm và đổ ra Thái Bình Dương hàng ngày. Có những người bi quan cho rằng rò rỉ hạt nhân ở Fukushima sẽ sớm trở thành một thảm họa Chernobyl thứ hai.
Vào ngày thứ Năm vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản đã trở lại thị sát khu vực rò rỉ phóng xạ ở nhà máy Fukushima và cho biết chính phủ đã dự trù chi phí lên tới 470 triệu USD để chấm dứt những mối lo hạt nhân ở Fukushima kể từ năm 2011.
Ông Takashi Suzuki là một trong số nhiều người dân Nhật Bản vẫn còn bám trụ lại trong khu vực dù chính phủ Nhật Bản đã cấm những người dân tiếp tục sinh sống tại khu vực có khả năng nhiễm phóng xạ. Nơi ông Suzuki sinh sống chỉ cách khu vực rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vỏn vẹn 50km.
Ông Suzuki đã sử dụng nguồn nước ở đây từ năm 20 tuổi, giờ đây ông đã 59. "Các nhà nghiên cứu từng tới khu vực này và họ đo được nồng độ phóng xạ ở đây vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tôi sẽ vẫn ở lại trong khu vực nhưng tôi sẽ không để cho những đứa trẻ sử dụng nguồn nước ở đây".
Thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới trong 25 năm qua ở Fukushima đã khiến nghề đánh cá của ông Suzuki gần như chấm dứt. "Không ai mua cá được bắt từ trong khu vực này nữa. Rất nhiều người dân đã rời khỏi ngôi làng nhưng tôi sẽ ở lại bởi cuộc sống của tôi đã gắn bó ở nơi đây", ông Suzuki cho biết.
Những người dân khác như ông Yoshikatsu Matsumoto đã di chuyển tới ngôi làng cùng vợ sau khi thảm họa hạt nhân xảy ra. "Chúng tôi không thể rời đi xa bởi toàn bộ số tiền đã được đầu tư vào căn nhà nơi xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ", ông Matsumoto cho biết.
Những người có tuổi trong khu vực đều không muốn rời xa nơi họ đã sinh sống hàng chục năm qua. "Di chuyển người dân tới một nơi an toàn hơn là điều cần thiết nhưng tôi cho rằng chính phủ cần hợp tác với những chuyên gia quốc tế để giải quyết dứt điểm thảm họa này", ông Matsumoto cho biết.
Hàng ngày có khoảng 8000 người tình nguyện làm việc tại khu vực rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhằm hạn chế tối đa bức xạ hấp thụ vào môi trường càng nhiều càng tốt. Ở một số nơi, người dân được trở về nhà trong một khoảng thời gian giới hạn bởi chính phủ vẫn lo ngại khả năng phóng xạ ở Fukushima có thể lan rộng.
Nguyễn Hồng Đăng
Theo CNN
loading...