A+ A A- Kiểu đọc sách

Ngành hàng không toàn cầu hướng tới 'không tiếp xúc' hậu COVID-19

08:42 16/05/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc đua mở cửa trở lại, các sân bay đang chuyển sang công nghệ nhận dạng khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và máy quét sinh trắc học được thiết kế để mang đến trải nghiệm “không tiếp xúc” cho cả hành khách lẫn hành lý của họ.

Chính sách mới nói 'Không' với COVID-19 của hãng hàng không Mỹ

Chính sách mới nói 'Không' với COVID-19 của hãng hàng không Mỹ

Trước bối cảnh các bang ở Mỹ đang rục rịch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các hãng hàng không lớn của nước này đã thông báo các biện pháp y tế và an toàn mới nhằm bảo vệ hành khách và phi hành đoàn khỏi nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. 

Hãy tưởng tượng khi bước vào một sân bay, hành khách có thể chia sẻ các thông tin sức khỏe quan trọng, qua cổng an ninh và lên máy bay mà không cần chạm vào bất kỳ màn hình, trạm soát vé hoặc nhân viên nào. Theo giới chuyên gia, đó là mục tiêu để các sân bay hướng tới, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Lý thuyết là như vậy. Nhưng việc hiện thực hóa chúng lại là một câu chuyện khác.

Tương lai về ngành hàng không tự động hóa hoàn toàn

Giới quan sát chỉ ra rằng do không có một cơ quan phụ trách duy nhất, ngành hàng không toàn cầu có thể sẽ phục hồi theo hướng tự phát, không thống nhất giữa các hãng hàng không hoặc sân bay. Khi đó, mọi tiến bộ sẽ chỉ mang tính nhất thời và dễ đổ vỡ.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đang cố gắng thay đổi điều này. Vào ngày 29/4, ICAO đã thành lập Nhóm đặc biệt phụ trách hỗ trợ phục hồi ngành hàng không hậu COVID-19 với sự tham gia của đại diện từ 36 quốc gia trong Hội đồng quản trị ICAO.

Trong số đó, Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) và SITA, một công ty công nghệ đa quốc gia đang cung cấp dịch vụ cho hơn 1.000 sân bay và phần lớn các hãng hàng không trên thế giới được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn tới Nhóm trên. Cả hai tổ chức này đều tin rằng trải nghiệm ít tiếp xúc hoặc thậm chí không tiếp xúc sẽ là hướng đi tốt nhất cho ngành hàng không trong tương lai.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bà Nina Brooks, Giám đốc An ninh, Thuận lợi hóa và Công nghệ tại ACI cho biết các công nghệ như sinh trắc học, cổng điện tử tự động, robot và AI sẽ đóng một vai trò quan trọng trong ngành hàng không, cả trong hiện tại lẫn sau này.

Phó Tổng giám đốc ACI Antoine Rostworowski cũng nói rằng những công nghệ trên đều có nhiều tiềm năng, như việc áp dụng AI tại các sân bay sẽ giúp biến dữ liệu thành các thông tin hỗ trợ kinh doanh. Ví dụ, càng có nhiều dữ liệu về sức khỏe từ các ki-ốt kiểm soát, các sân bay càng có thêm khả năng để xác định những hành khách nào cần điều tra thêm. Các máy quét có hỗ trợ AI cũng có thể cải thiện hơn nữa hiệu quả của các điểm quét kiểm tra hành lý, qua đó giảm bớt sự ứ đọng hành khách.

Công ty SITA cũng cho biết AI có thể liên kết hành khách với hành lý của họ thông qua sinh trắc học. Theo SITA, AI có thể nhận ra các dấu vết, nếp nhăn và đặc điểm chất liệu độc đáo để phân biệt giữa các túi có vẻ giống hệt nhau và liên kết chúng với chủ nhân một cách chính xác. Điều này sẽ cho phép hành khách có thể tự ký gửi hành lý thông qua các thiết bị di động cá nhân mà không cần chạm vào các máy móc bên trong sân bay.

Tóm lại theo CEO Dalibard của SITA, tự động hóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng tại các sân bay. Các công nghệ tự phục vụ không tiếp xúc sẽ tạo điều kiện cho hành khách lưu thông dễ dàng, giảm bớt tình trạng chờ đợi kéo dài, trong khi vẫn đảm bảo các biện pháp giãn cách xã hội thông qua việc sử dụng các thiết bị di dộng và sinh trắc học được bảo mật.

Những vấn đề cần giải quyết

Song giới quan sát đã chỉ ra rằng triển vọng về một ngành hàng không tự động hóa hoàn toàn vẫn còn gặp nhiều trở ngại lớn, khó có thể vượt qua trong một sớm một chiều.

Để có thể mở lại mà không dẫn đến tái bùng phát dịch COVID-19, các sân bay phải chuẩn bị để có thể kiếm tra một loạt các chỉ số sức khỏe khác nhau của hành khách. Vì theo các cơ quan y tế, chỉ đo thân nhiệt là không đủ để sàng lọc những người bị nhiễm, nhưng đang trong thời kỳ ủ bệnh và không có triệu chứng. Một số nghiên cứu cho thấy có tới 1/3 số bệnh nhân mắc COVID-19 không có dấu hiệu bệnh như sốt, ho hay khó thở.

Điều này đồng nghĩa là các hành khách nên sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn từ hoạt động giám sát hình ảnh đơn thuần sang theo dõi sinh trắc học. Điều này đã xảy ra ở một số sân bay trên thế giới. Như tại Abu Dhabi, Etihad Airways đã công bố thử nghiệm các ki-ốt tự phục vụ có thể theo dõi nhiệt độ, nhịp tim và nhịp hô hấp của hành khách rồi “đánh dấu” những người cần chăm sóc y tế. Mặc dù công nghệ này không được thiết kế để chẩn đoán bất kỳ tình trạng y tế nào, nó có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu sinh trắc học từ hành khách.

Song, yêu cầu hành khách phải chia sẻ những thông tin cá nhân của mình và quyền riêng tư vẫn là vấn đề chưa có một giải pháp hữu hiệu. Ông Jeni Tennison, Phó Chủ tịch và Trưởng Cố vấn chiến lược tại Viện Dữ liệu mở (ODI), cho biết ông tin vào việc tăng quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Nhưng những dữ liệu này cần phải được quản lý một cách cẩn thận và đáng tin cậy để tránh tình trạng trục lợi từ chúng.

Ông Tennison cho rằng trong tương lai, các hãng hàng không và sân bay sẽ chia sẻ những thống kê y tế một cách an toàn với các cơ quan y tế công cộng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Những thống kê này có thể giúp minh họa các luồng di chuyển của hành khách trên toàn cầu, thay vì kiếm lời từ những thông tin cá nhân.

Nếu tất cả dữ liệu sức khỏe thu thập tại các sân bay được ẩn danh, việc đi lại an toàn của hành khách có thể đạt được. Song giới chuyên gia thừa nhận ngày mà biện pháp trên có thể được tiến hành còn rất xa.

Bên cạnh đó, hợp tác cũng là vấn đề lớn cần được giải quyết. Các quốc gia phải hợp tác với nhau để cho phép khách du lịch di chuyển qua biên giới. Một thỏa thuận toàn cầu về cách sàng lọc hành khách sẽ giúp ích rất nhiều. Vì nếu chỉ cho phép những khách du lịch được sàng lọc cẩn thận lên máy bay, các Chính phủ sẽ giảm thiểu được rủi ro cho quốc gia mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có vẻ như xu hướng bảo hộ đang lấn át mong muốn về sự đoàn kết trên toàn cầu, nhất là khi thế giới đang trải qua những biến động cả về kinh tế lẫn xã hội.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 đã chứng minh hoạt động di chuyển và du lịch là động cơ kinh tế của thế giới. Do vậy, các quốc gia cần tìm ra một cách tiếp cận thống nhất để có thể áp dụng các công nghệ hỗ trợ việc di chuyển không tiếp xúc một cách nhanh chóng để vừa phát triển được ngành hàng không, vừa đảm bảo dịch bệnh sẽ khó bùng phát lây lan hơn trong tương lai.

H.Thủy/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...