loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/1, Mỹ đã kêu gọi Nga tiêu hủy hệ thống tên lửa hành trình mới mà theo Washington là "sự vi phạm trực tiếp" Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), đồng thời cáo buộc Moskva gây bất ổn nền an ninh toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, hãng tin Ria Novosti của Nga đưa tin tàu khu trục tên lửa "Gravely" của Lực lượng Hải quân Mỹ ngày 10/1 vượt qua eo biển Đan Mạch tiến vào Biển Baltic.
Phát biểu tại Hội nghị Giải trừ Quân bị được tổ chức ở Geneva (Thụy Sĩ) do Liên hợp quốc bảo trợ, Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị, ông Robert Wood nêu rõ: "Thật đáng tiếc, Mỹ ngày càng nhận thấy rằng khó có thể tin tưởng Nga trong việc tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí. Nga cần tiêu hủy một cách có kiểm chứng toàn bộ tên lửa SSC-8 cũng như các bệ phóng và thiết bị liên quan nhằm quay trở lại nghĩa vụ tuân thủ Hiệp ước INF".
Tuy nhiên, cho đến nay, Moskva khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong cuộc họp báo lớn về kết quả hoạt động ngoại giao của Nga năm 2018 diễn ra ngày 16/1 vừa qua đã khẳng định Moskva sẵn sàng tiếp tục nỗ lực để cứu vãn INF. Ông Lavrov bày tỏ hy vọng các nước châu Âu, vốn mong muốn cứu vãn Hiệp ước INF hơn ai hết, cũng sẽ nỗ lực để không theo Mỹ, không đưa ra các tuyên bố trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đổ lỗi cho Nga mà tìm cách thuyết phục để Mỹ có lập trường trách nhiệm hơn.
Ông Lavrov cũng cho biết Moskva hy vọng Washington không có kế hoạch rút khỏi START-3, nhấn mạnh Nga đã làm không ít để loại bỏ những trở ngại trong START vì Moskva muốn gia hạn hiệp ước này.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Ngày 21/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF. Đến ngày 4/12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày.
Cũng liên quan đến INF, các nguồn tin ngày 21/1 cho biết các quan chức NATO và Nga sẽ thảo luận về hiệp ước trên. Đây sẽ là một phần nghị trình trong cuộc họp ngày 25/1 tới của Hội đồng NATO-Nga, bên cạnh vấn đề Ukraine.
TTXVN
loading...