loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/7 tới, nước Nga sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây được coi là thời khắc quyết định, thể hiện ý chí của người dân Nga với kỳ vọng tạo ra thay đổi then chốt, giúp quốc gia này ứng phó hiệu quả với những thách thức mới để vươn lên phát triển thịnh vượng. Nếu được sửa đổi, Hiến pháp mới được coi là thay đổi luật lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Nga.
Ngày 16/3, Tòa án Hiến pháp Nga đã công nhận tính hợp hiến của các sửa đổi Hiến pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quyết định này đã được đăng trên trang chủ của Tòa án Hiến pháp và gửi tới Tổng thống Putin.
Đề xuất sửa đổi mang tính “bước ngoặt”
Trong bản Thông điệp liên bang năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp của nước Nga với những đề xuất cải cách mang tính "bước ngoặt". Theo đó, dự luật sửa đổi Hiến pháp Nga được chuẩn bị trên cơ sở các đề nghị của nhóm làm việc chuyên môn về sửa đổi Hiến pháp Nga do Tổng thống quyết định thành lập bao gồm:
Tăng cường các biện pháp bảo trợ xã hội: Mức lương tối thiểu không thấp hơn mức sinh hoạt tối thiểu; chỉ số bắt buộc về lương hưu, lợi ích và các lợi ích xã hội khác được cố định. Hiến pháp xác định rằng hệ thống lương hưu được hình thành trên cơ sở các nguyên tắc phổ quát, công bằng và thống nhất giữa các thế hệ.
Luật pháp Nga có quyền tối cao: Nga không bắt buộc phải thực hiện quyết định của các cơ quan liên quốc gia, những quyết định được thông qua trên cơ sở những điều khoản của các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Nga tham gia nếu Hiến pháp Nga cho rằng chúng là vi hiến. Các mâu thuẫn này sẽ do Tòa án Hiến pháp quyết định.
Yêu cầu mới với tổng thống: Siết chặt qui định thường trú tại Nga đối với ứng cử viên tổng thống. Nói cách khác, ứng cử viên cho vị trí này phải ở Nga trong ít nhất 25 năm, không được có quốc tịch nước ngoài hoặc giấy cư trú ở một quốc gia khác, không chỉ ở thời điểm tham gia bầu cử mà cả trước đó. Duma Quốc gia cũng ủng hộ đề xuất sửa đổi “xóa” giới hạn các nhiệm kỳ tổng thống khi cho phép tổng thống đương nhiệm ra tranh cử lại vào năm 2024.
Quyền miễn trừ: Một tổng thống Nga sau khi đã chấm dứt quyền hạn tổng thống sẽ vẫn được hưởng quyền miễn trừ. Tuy nhiên, cựu tổng thống có thể bị tước quyền miễn trừ theo các thủ tục luận tội được quy định trong điều 93 của Hiến pháp. Ngoài ra, sau khi chấm dứt quyền lực của mình, tổng thống Nga có thể trở thành thượng nghị sĩ suốt đời.
Tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước: Tổng thống thành lập Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga để "đảm bảo sự tương tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, xác định các hướng chính chính sách đối nội và đối ngoại". Vai trò của Hội đồng Nhà nước sẽ được luật liên bang đặc biệt qui định.
Xác minh tính hợp hiến của luật pháp: Thủ tục lập pháp liên quan đến Luật Hiến pháp Liên bang và Luật Liên bang được bổ sung nội dung Tổng thống yêu cầu Tòa án Hiến pháp xác minh tính hợp hiến của luật được Quốc hội phê chuẩn trước khi ký.
Yêu cầu mới với các quan chức, nghị sĩ và thẩm phán: Hiến pháp sửa đổi thắt chặt các yêu cầu đối với người thực thi quyền lực có quyền hạn liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo an ninh và chủ quyền đất nước như Thủ tướng và các phó thủ tướng, các bộ trưởng liên bang, người đứng đầu các cơ quan hành pháp liên bang khác, quan chức cấp cao các chủ thể liên bang, lãnh đạo các cơ quan nhà nước liên bang, thành viên Hội đồng Liên bang (Thượng viện), các thẩm phán. Một nội dung quan trọng là “những người này không được có quốc tịch nước ngoài hoặc giấy cư trú ở quốc gia khác” và bị cấm lập tài khoản ở nước ngoài.
Tăng cường vai trò của Duma Quốc gia (Hạ viện): Duma Quốc gia có quyền phê chuẩn ứng cử viên Thủ tướng Liên bang Nga do Tổng thống Nga đề xuất. Tổng thống sẽ bổ nhiệm thủ tướng đã được phê chuẩn. Ngoài ra, Duma Quốc gia sẽ phê chuẩn các đề cử phó thủ tướng và các bộ trưởng liên bang theo đề xuất của thủ tướng (ngoại trừ một số bộ trưởng các khối được đích thân Tổng thống Nga giám sát).
Tăng cường vai trò của Hội đồng Liên bang (Thượng viện): Người đứng đầu các cơ quan hành pháp liên bang (gồm các bộ trưởng liên bang) phụ trách quốc phòng và an ninh, nội vụ, tư pháp, đối ngoại, phòng ngừa tình trạng khẩn cấp, cũng như công tố viên các chủ thể của Nga sẽ được Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Liên bang. Theo Hiến pháp mới, Hội đồng Liên bang cũng sẽ có quyền bãi miễn các thẩm phán Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, thẩm phán tòa giám đốc thẩm và phúc thẩm, nếu họ thực hiện các hành vi phỉ báng danh dự và nhân phẩm của thẩm phán.
Các ứng cử viên cho vị trí Viện trưởng Viện Kiểm toán và một nửa số kiểm toán viên của Viện Kiểm toán cũng sẽ được Tổng thống Nga trình Hội đồng Liên bang để phê chuẩn. Cũng theo các sửa đổi, Hội đồng Liên bang có quyền nghe các báo cáo thường niên của Tổng công tố Liên bang Nga về tình trạng luật pháp và trật tự trong nước.
Thay đổi số lượng thẩm phán Tòa án Hiến pháp: Số lượng thẩm phán Tòa án Hiến pháp giảm từ 19 xuống còn 11. Theo yêu cầu của Tổng thống Liêng bang Nga, Tòa án Hiến pháp sẽ xác minh tính hợp hiến của các luật được thông qua, cả luật liên bang và luật khu vực, trước khi ký ban hành chúng.
Ngoài ra, Hiến pháp sửa đổi nhấn mạnh nội dung bảo vệ sự thật lịch sử và tương lai đất nước, như: “Liên bang Nga trân trọng ký ức về những người bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo bảo vệ sự thật lịch sử. Không cho phép làm giảm tầm quan trọng của chiến thắng dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc”. Trẻ em vẫn được xem là ưu tiên quan trọng nhất trong chính sách của nhà nước Nga. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện về tinh thần, đạo đức, trí tuệ và thể chất của trẻ em, giáo dục lòng yêu nước, quyền công dân và tôn trọng người lớn tuổi. Nhà nước cũng đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc trẻ mồ côi. Hiến pháp sửa đổi còn làm rõ các quy định về bảo vệ gia đình, bà mẹ, quyền làm cha, và tổ chức hôn nhân.
Một điểm đáng chú ý khác trong các nội dung sửa đổi của Hiến pháp là việc quy định nơi đặt trụ sở các cơ quan quyền lực của nhà nước liên bang có thể không bắt buộc tại thủ đô Moskva, mà còn có thể ở một số thành phố cụ thể khác...
Hồi giữa tháng 3, Tổng thống Putin đã ký ban hành luật sửa đổi Hiến pháp. Trước đó, Văn bản sửa đổi Hiến pháp này, cũng đã được hai viện Quốc hội Nga là Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), hội đồng lập pháp của 85 chủ thể LB Nga cũng như Tòa án Hiến pháp Nga thông qua từ đầu năm nay.
Ban đầu, cuộc trưng cầu dân ý có ý nghĩa lịch sử về sửa đổi Hiến pháp của Nga, dự kiến diễn ra vào ngày 22-4, song đã phải hoãn lại do sự bùng phát bất ngờ của đại dịch COVID-19 tại nước này cũng như trên toàn thế giới. Sự kiện trọng đại này được ấn định lại vào ngày 1-7.
Kỳ vọng vào sự thay đổi
Dù kết quả cuộc “tham khảo ý kiến người dân” gần như đã được báo trước, song Điện Kremlin vẫn muốn có một cuộc bỏ phiếu nhằm tăng thêm bề dày cho quyền lực đã hoàn toàn trong tay Tổng thống Putin từ năm 2000. Do đó, với mỗi sáng kiến sửa đổi, Tổng thống Nga Putin đề nghị trưng cầu ý dân bởi theo nhà lãnh đạo Nga việc sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga sẽ chỉ có hiệu lực nếu được người dân ủng hộ. Kêu gọi cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, đây là bản Hiến pháp hình thành nên nền tảng đời sống đất nước, cuộc sống của người dân Nga và sẽ xác định những nguyên tắc luật pháp, tư pháp chính trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ lao động cũng như các nguyên tắc hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Nếu những đề xuất sửa đổi Hiến pháp được người dân Nga ủng hộ thông qua cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, ông Putin, 67 tuổi, người đã cầm quyền tại Nga trong hơn 2 thập kỷ qua, có thể tranh cử tổng thống thêm hai nhiệm kỳ 6 năm sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024. Với việc trao quyền cho tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán và công tố viên hàng đầu để được Thượng viện Nga phê chuẩn, nước Nga sẽ có cơ quan lập pháp mạnh, đảm đương cả vai trò bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất của nhánh hành pháp thay vì chỉ phê chuẩn theo đệ trình của tổng thống như hiện nay. Sự thay đổi này cũng sẽ đánh dấu một sự “kết đoàn” trở lại giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp sau những “phân chia chiến tuyến” từ thời kỳ 1993 và cũng là bối cảnh để bản Hiến pháp hiện thời ra đời... Cùng với đó, những thay đổi về kinh tế-xã hội được qui định, gồm bảo đảm tiền lương tối thiểu không thấp hơn mức đủ sống, điều chỉnh lương hưu nhà nước phù hợp với lạm phát và phúc lợi xã hội đồng thời hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con nhỏ cũng là điểm sáng trong hiến pháp sửa đổi, dự báo sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Nga.
Trong một đánh giá nhất quán trong giới quan sát Nga, đề xuất sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Putin được coi là tầm nhìn chiến lược khi sẽ thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị của đất nước, tạo ra một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển không chỉ trong vài năm tới, mà cho cả một giai đoạn dài tiếp sau. Đề xuất thực chất đã thay đổi cơ cấu nền tảng của chính quyền hành pháp, biến Liên bang Nga từ một nước cộng hòa “siêu tổng thống” từ năm 1993 thành nước cộng hòa tổng thống-nghị viện, với cơ quan lập pháp mang tính đại diện và thực hiện đầy đủ vai trò đại diện, với đội ngũ lãnh đạo địa phương đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, có năng lực quản lý hiện đại, với hai nhánh chính quyền hành pháp và lập pháp có liên hệ chặt chẽ, đảm bảo cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Theo cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga, 67% số người dân Nga cho biết sẽ đi bỏ phiếu. Sau khi quá trình bỏ phiếu hoàn tất, nếu dự thảo Hiến pháp nhận được số phiếu ủng hộ quá bán tức là hơn 50% số phiếu ủng hộ, các sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố, qua đó mở ra một sự thay đổi luật cơ bản lớn nhất trong lịch sử hiện đại của xứ sở Bạch dương.
Thanh Lâm/TTXVN
loading...