loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học trung ương số 48 Bộ Quốc phòng LB Nga, ông Sergei Borisevich, cho biết các chuyên gia viện này đã hoàn tất thành công các thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 trên khỉ và chuột. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy và chứng minh tính an toàn và hiệu quả của chế phẩm này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/6 khẳng định virus SARS-CoV-2 vẫn chưa suy yếu sau khi có thông tin của một bác sĩ hàng đầu Italy cho rằng chủng virus này đã biến đổi và yếu dần.
Trả lời phỏng vấn báo “Sao đỏ”, ông Borisevich, hiện 50 tình nguyện viện đã được chọn để thử nghiệm vaccine ở người gồm 45 nam và 5 nữ từ 25-50 tuổi. Một nhóm các tình nguyện viên đã đến một cơ sở đặc biệt để kiểm tra y tế. Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo, các chuyên gia của viện sẽ kiểm tra xem vaccine có an toàn với người hay không cũng như khả năng hấp thụ tới mức độ nào. Ngoài ra, thử nghiệm sẽ xác định vaccine giúp phát triển các kháng thể bảo vệ như thế nào.
Trước đó, ông Ivan Vasilenko, Tiến sĩ Hóa học, Giáo sư Viện Công nghệ sinh hóa và công nghệ nano thuộc Đại học Tổng hợp hữu nghị giữa các dân tộc Nga (RUDN), cho biết vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của Nga có thể được sử dụng trước cuối năm 2020.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 3/6, Bộ Y tế và Phúc lợi (MoHW) và Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông (MSIT) 3/6 đã tổ chức cuộc họp 0Nhóm Hỗ trợ phát triển vaccine điều trị COVID-19 để lên kế hoạch cụ thể sau khi Chính phủ Hàn Quốc cùng ngày nhất trí về khoản ngân sách bổ sung lần ba cao kỷ lục với trên 29 tỷ USD.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo (Pắc Nung-hu) nhấn mạnh rằng: "Chính phủ và các công ty tư nhân sẽ cùng hợp tác để phát triển các phương pháp điều trị trong năm nay và có được vaccine điều trị COVID-19 vào năm 2021 tới".
Trước mắt Chính phủ Hàn Quốc đang đặt mục tiêu phát triển huyết tương điều trị COVI-19 trong năm nay. Liệu pháp huyết tương liên quan đến truyền huyết tương giàu kháng thể từ những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được điều trị hồi phục hoàn toàn.
Huyết tương, thường có màu vàng, là phần chất lỏng của máu còn sót lại sau khi các tế bào máu và tiểu cầu được loại bỏ. Hiện cơ quan chức năng Hàn Quốc đang thu thập một số lượng lớn các mẫu máu từ những người đã được điều trị khỏi hoàn toàn ở thành phố phía Đông Nam Daegu, nơi từng được coi là "tâm chấn" của đại dịch COVID-19 trên xứ sở Kim Chi.
Theo Bộ trưởng MSIT Choi Ki-young, "Chính phủ Hàn Quốc cam kết nỗ lực toàn diện trong việc ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng đại dịch bằng cách sử dụng tất cả các nguồn lực công nghệ sinh học". Với gói ngân sách bổ sung lần ba, nhóm này sẽ được hỗ trợ 100 tỷ won (82,3 triệu USD) để chi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và các thử nghiệm lâm sàng liên quan.
Với thuốc điều trị, nhóm sẽ tập trung vào ba hạng mục chiến lược là huyết tương, kháng thể, và "tái định vị thuốc" (tức mở rộng phạm vi sử dụng y dược phẩm có sẵn) để phát triển thuốc điều trị COVID-19. Về vaccine, Hàn Quốc hiện đặt mục tiêu hoàn thành nghiên cứu phát triển đến nửa cuối năm 2021, dự kiến bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng ngay trong năm nay với ba "ứng cử viên" là vaccine kháng nguyên tổng hợp của Công ty Khoa học y sinh SK (SK Bio Science), các vaccine DNA do hai công ty Inobio và Genexine phát triển.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết sẽ hỗ trợ chi phí nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng cho các đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19.
Duy Trinh - Anh Nguyên/TTXVN
loading...