loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã lên tới đỉnh điểm sau khi ông Trump liên tục đưa ra các lời chỉ trích công khai quan chức cấp dưới của mình trong hơn một năm qua, mà lý do chính là Bộ trưởng Sessions quyết định đứng ngoài cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trả lời phỏng vấn hãng Fox News ngày 23/8, Tổng thống Trump cho biết đã chọn ông Sessions là người lãnh đạo Bộ Tư pháp vì sự trung thành của vị cựu Thượng nghị sỹ bang Alabama này khi ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2016.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã chỉ trích Bộ trưởng Sessions không kiểm soát được “sự mục nát” của Bộ Tư pháp.
Sau đó một ngày, Tổng thống Trump đã gia tăng chỉ trích khi thúc giục Bộ trưởng Sessions điều tra nhiều các cựu quan chức thực thi pháp luật và các thành viên đảng Dân chủ mà ông Trump cho rằng đã làm sai dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Các cố vấn bên trong và bên ngoài “Cánh Tây” (khu vực làm việc tại Nhà Trắng của đội ngũ cố vấn cho Tổng thống Mỹ) thừa nhận rằng Tổng thống Trump đang leo thang cuộc chiến với Bộ trưởng Sessions cũng như các thành viên khác của Bộ Tư pháp, và cho rằng sự tức giận của Tổng thống có thể xuất phát từ những tình huống mới nhất trong vụ án của Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump - người đã thừa nhận trả tiền bịt miệng cho các quan hệ tình ái ngoài luồng của ông Trump và mới đây đã đồng ý hợp tác điều tra với Cơ quan Điều tra liên bang (FBI) để nhận được sự khoan hồng.
Một số ý kiến khác cho rằng sợi dây pháp lý đang ngày càng siết lại đối với Tổng thống Trump khi ngày càng có nhiều người thân cận của ông cảm thấy họ là đối tượng điều tra sau khi ông Paul Manafort - cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump - bị kết tội 8 tội danh liên quan đến những gian lận về thuế và ngân hàng cũng như không tiết lộ các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Trong khi đó, những đồn đoán ngày càng tăng về khả năng Tổng thống Trump sẽ sa thải Bộ trưởng Sessions sau cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ để thay thế bằng một nhân vật khác có thể ngăn chặn được cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley và Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, người thường đánh golf với Tổng thống Trump, đều thừa nhận về khả năng Bộ trưởng Sessions sẽ bị thay thế, đảo chiều quan điểm trước đây của họ rằng Thượng viện Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ đề cử mới nào cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp trong thời gian cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller đang được tiến hành.
Thượng nghị sỹ Graham còn cho biết việc Tổng thống Trump chọn một gương mặt mới dẫn dắt Bộ Tư pháp chỉ là vấn đề thời gian. Các nghị sỹ Cộng hòa chủ chốt khác lại thúc giục ông chủ Nhà Trắng tránh đưa ra quyết định tai hại đó, vì có thể dẫn tới “cơn bão chính trị” nhằm vào chính ông.
Bộ trưởng Sessions cho biết ông không bị dao động bởi tin đồn bị sa thải, khẳng định không chịu bất cứ áp lực chính trị nào trong việc điều hành Bộ Tư pháp Mỹ - tín hiệu rõ ràng nhằm vào Tổng thống Trump.
Ông đồng thời cam kết luôn đứng về phía các quan chức, nhân viên của Bộ Tư pháp vốn được bổ nhiệm theo quy luật, luật pháp Mỹ.
Một nguồn tin thân cận với ông Sessions tiết lộ vị Bộ trưởng Tư pháp này sẽ tiếp tục đảm nhiệm trọng trách đến khi chính Tổng thống Trump yêu cầu ông ra đi.
Một số nguồn tin khác nhận định khó có khả năng Tổng thống Trump sa thải ông Sessions vì thực chất quan hệ căng thẳng giữa hai người này đã lên mức đỉnh điểm hồi tháng 2/2018 khi ông Sessions từ chối điều tra hoạt động nghe lén dưới thời Tổng thống Obama, sau đó quan hệ giữa hai người đã hòa dịu trở lại.
TTXVN
loading...