loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Quan hệ Mỹ-Venezuela tiếp tục bị phủ bóng đen khi Venezuela bắt giữ 2 công dân Mỹ với âm mưu lật đổ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Sự kiện này đã khiến mối quan hệ vốn luôn trong tình trạng đối đầu giữa hai nước tiếp tục đi đến một nấc thang mới. Cùng nhìn lại những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Venezuela kể từ năm 1999.
Ngày 6/5, cả Nga và Mỹ đều đã lên tiếng về vụ hai nhóm lính đánh thuê có vũ trang tìm cách xâm nhập vào lãnh thổ Venezuela rạng sáng 3/5 và đã bị Caracas bắt giữ.
Thăng trầm dưới thời Barack Obama
Mỹ và Venezuela từ lâu đã là đối thủ chính trị của nhau. Mối quan hệ giữa hai nước bị xấu đi kể từ khi cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999. Những va chạm chính trị giữa Mỹ và Venezuela từ đó bắt đầu diễn ra liên tục, thậm chí hai nước đã nhiều lần trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
Mỹ thường cáo buộc Tổng thống Chavez là “độc tài”, đồng thời phản đối việc Venezuela tăng cường mua vũ khí của Nga, hay việc Venezuela tăng cường quan hệ với các nước “thù địch” của Mỹ, trong đó có Cuba, Syria và Iran. Trong khi đó, Venezuela cũng nhiều lần tố cáo thái độ “đế quốc” của Mỹ, đồng thời khẳng định Mỹ đứng đằng sau những vụ đảo chính nhằm vào các chính phủ không chịu phục tùng Mỹ.
Sau khi ông Barack Obama lên nắm quyền Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009, quan hệ Mỹ-Venezuela đã có những “tháng trăng mật” ngắn ngủi. Tháng 4/2009, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), tổng thống hai nước đã có cuộc gặp đầu tiên. Tháng 6/2009, hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Động thái này đã kết thúc tình trạng căng thẳng xảy ra trong quan hệ song phương từ tháng 9/2008 do hai bên đều trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
Tuy nhiên, những “tháng trăng mật” cũng đã nhanh chóng kết thúc sau khi Venezuela cáo buộc Mỹ bí mật tham gia cuộc đảo chính tại Honduras vào cuối tháng 6/2009, nhằm cản trở sự phát triển của các lực lượng tiến bộ tại Mỹ Latinh. Tháng 8/2009, sự kiện Mỹ và Colombia ký thỏa thuận sử dụng 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Colombia mà theo Venezuela, điều này tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đã lại một lần nữa khiến quan hệ Mỹ-Venezuela thêm căng thẳng. Năm 2010, Venezuela và Mỹ tiếp tục không trao đổi đại sứ do quan hệ căng thẳng giữa chính quyền của cố Tổng thống Chavez và Washington.
Sau khi cố Tổng thống Hugo Chavez qua đời, tháng 4/2014, Tổng thống Maduro đã được chọn là người nhận trọng trách kế tục sự nghiệp Cách mạng Bolivar của nhà lãnh đạo Hugo Chavez. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Maduro đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình, chống đối trong nước. Làn sóng này ban đầu vốn chỉ là cuộc đấu tranh của sinh viên các tỉnh với sự hỗ trợ của phe đối lập, nhằm phản đối tình trạng mất an ninh và giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Những người biểu tình đã yêu cầu tổng thống từ chức, cáo buộc ông không bảo đảm an sinh xã hội - không cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và lạm phát vượt quá 56%. Nhưng sau đó, các cuộc biểu tình đã trở thành một trong những vấn đề gây bất ổn xã hội nguy hiểm ở Venezuela.
Trong bối cảnh đó, quan hệ giữa Mỹ và Venezuela lại tiếp tục căng thẳng bởi các cơ quan điều tra của Venezuela đã đưa ra cáo buộc Mỹ dành các khoản tài chính để hỗ trợ cho hoạt động biểu tình ở Venezuela. Venezuela đã liên tục tố cáo âm mưu của lực lượng đối lập tại quốc gia Nam Mỹ này với sự ủng hộ của Mỹ, cũng như của các nhóm bán quân sự Colombia nhằm chống phá chính quyền và sự ổn định của Venezuela. Thậm chí, Tổng thống Maduro còn thẳng thừng tuyên bố, chính phủ Venezuela đang phải chiến đấu với một cuộc đảo chính đồng thời công bố bằng chứng cho thấy, phe đối lập và các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Caracas âm mưu đảo chính bất thành ngày 12/2/2015.
Quan hệ hai nước càng trở nên phức tạp sau khi cựu Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 3/2015 ký sắc lệnh coi Caracas là mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, đồng thời áp đặt trừng phạt nhằm vào 7 quan chức cao cấp của Venezuela. Đáp trả, Venezuela mua quảng cáo trên trang New York Times để nói với người dân Mỹ rằng Venezuela không phải là mối đe dọa và yêu cầu tổng thống Barack Obama bãi bỏ các lệnh trừng phạt.
Tiếp đó, tháng 3-2016, Tổng thống Obama đã gia hạn thêm một năm sắc lệnh coi Venezuela là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và cho rằng Chính phủ của Tổng thống Maduro có hành động đàn áp các chính trị gia đối lập, kiểm soát báo chí và vi phạm nhân quyền. Venezuela đã kịch liệt phản đối các hành động này của chính quyền Washington, coi đây là nguyên nhân khiến căng thẳng leo thang và là tiền đề để can thiệp quân sự đồng thời ra lệnh xem xét lại "toàn diện" mối quan hệ với Mỹ.
Cũng trong năm 2016, Tổng thống Maduro đã nhiều lần tố cáo Mỹ hỗ trợ các hoạt động chống đối chính phủ của liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập khi Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị do MUD thúc đẩy việc tổ chức trưng cầu dân ý nhằm phế truất Tổng thống Maduro.
Sóng gió dưới thời Donald Trump
Sau nhiều rạn nứt và căng thẳng kéo dài, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt tài chính đối với Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami hồi tháng 2/2017 với cáo buộc liên quan tới hoạt động vận chuyển ma túy từ Venezuela ra nước ngoài, trong khi Chính phủ Venezuela khẳng định các cáo buộc của Washington hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và chỉ là một nỗ lực nhằm ủng hộ phe đối lập tại Venezuela để lực lượng này lấy cớ tiến hành một cuộc đảo chính chính trị chống lại nhà nước Venezuela, đã tiếp tục đẩy quan hệ hai nước tới bờ vực đối đầu. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền Nhà Trắng đưa ra một quyết định trừng phạt liên quan tới một quan chức cấp cao của Venezuela.
Quan hệ ngoại giao Mỹ-Venezuela lại thêm sóng gió khi ông Maduro tái đắc cử Tổng thống Venezuela sau cuộc bầu cử ngày 20/5/2018. Khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Venezuela nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của chính phủ nước này. Theo đó, cấm các cá nhân và thực thể trong phạm vi quản lý của Mỹ tiến hành các giao dịch mua bất kỳ khoản nợ nào của Chính phủ Venezuela. Tổng thống Donald Trump cũng chỉ thị Bộ trưởng Tài chính Mỹ phối hợp với Bộ trưởng Ngoại giao phổ biến các quy định trên và huy động tất cả các quyền hạn để bảo đảm sắc lệnh được thực thi.
Để đáp trả, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố trục xuất Đại biện lâm thời Mỹ tại nước này Todd Robinson vì có âm mưu chống lại chính quyền Caracas. Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro cũng khẳng định các lệnh trừng phạt của Mỹ đã xúc phạm "thể diện quốc gia" của Venezuela, khiến người dân nước này phải chịu nhiều tổn thất. Phản ứng trước động thái này của Venezuela, Mỹ tuyên bố sẽ trả đũa.
Sau khi thắng cử trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng 5/2018, từ ngày 10/1/2019, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019, Mỹ liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela như áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ - nguồn thu ngoại tệ chính của Venezuela - và hãng hàng không quốc gia Conviasa của nước này, nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực. Chiến dịch bao vây kinh tế của Mỹ đã gây thiệt hại cho Venezuela hàng tỷ USD, gây khó khăn cho chính phủ quốc gia Nam Mỹ này trong việc nhập khẩu lương thực và thuộc men để đáp ứng nhu cầu của người dân. Với việc Mỹ ngày 23/1/2019 ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido trở thành tổng thống lâm thời, căng thẳng giữa Washington và chính quyền Maduro càng thêm sâu sắc. Tổng thống Venezuela Maduro cáo buộc Mỹ ủng hộ các âm mưu đảo chính và thông báo cắt quan hệ với Mỹ và yêu cầu phái đoàn ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này nhưng Washington không chấp nhận.
Nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực, ngày 5/8/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Venezuela tại Mỹ và cấm tất cả mọi giao dịch liên quan tới tài sản của Caracas, trừ những trường hợp ngoại lệ. Đây là lần đầu tiên Washington áp đặt một biện pháp trừng phạt như vậy đối với một quốc gia ở Tây Bán cầu trong 30 năm qua và là biện pháp cấm vận kinh tế toàn diện tương tự như đã làm với Triều Tiên, Iran, Syria và Cuba. Biện pháp trừng phạt này được áp dụng đối với tất cả tài sản và lợi ích thuộc sở hữu của Chính phủ Venezuela tại Mỹ. Những tài sản đó sẽ không thể chuyển nhượng, thanh toán, xuất khẩu, rút vốn hoặc quản lý. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng cấm mọi giao dịch với các quan chức Venezuela có tài sản đang bị phong tỏa, đồng thời không cho phép việc cấp hoặc tiếp nhận “mọi đóng góp hoặc cung cấp vốn, hàng hóa hoặc dịch vụ cho những người thụ hưởng là các đối tượng có tài sản hoặc lợi ích nằm trong diện bị phong tỏa”.
Ngày 6/8/2019, Bộ Ngoại giao Venezuela đã lên án biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhấn mạnh việc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump phong tỏa toàn bộ tài sản của quốc gia Nam Mỹ này tại Mỹ là cố nhằm chính thức hóa lệnh phong tỏa thương mại, tài chính và kinh tế của Washington. Tuyên bố khẳng định Venezuela sẽ không cho phép động thái gây căng thẳng của Mỹ làm ảnh hưởng đến tiến trình hòa đàm với phe đối lập nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.
Đã từng có sự kỳ vọng về việc quan hệ Mỹ và Venezuela tan băng khi hai nhà lãnh đạo bày tỏ thiện chí sẵn sàng đối thoại, rút ngắn sự khác biệt tại bên lề kỳ họp lần thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2019. Tuy nhiên cho đến nay, hai chính phủ chưa có động thái giảm căng thẳng.
Venezuela vừa chặn đứng âm mưu xâm nhập của "lính đánh thuê khủng bố"
Những ngày qua, quan hệ giữa Mỹ và Venezuela đã lại tiếp tục diễn biến căng thẳng khi ngày 4/5 Venezuela bắt giữ 2 công dân Mỹ với âm mưu lật đổ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Việc bắt giữ này diễn ra một ngày sau khi Chính phủ Venezuela thông báo đã chặn đứng một vụ xâm nhập từ trên biển vào nước này, tiêu diệt 8 đối tượng và bắt giữ 2 người khác. Thống đốc bang Argua Rodolfo Marcos Torres cho biết mục tiêu của các đối tượng trên là thực hiện các hành động phá hoại, gây bạo loạn và ám sát các nhà lãnh đạo cấp cao Venezuela. Danh tính của 2 người bị bắt giữ là Luke Denman, 34 tuổi, và Airan Berry, 41 tuổi. Tổng thống Venezuela Maduro khẳng định hai người này là các thành viên của lực lượng an ninh Mỹ. Ngoài ra, cơ quan chức năng quốc gia Nam Mỹ cũng thu giữ nhiều vũ khí, 6 phương tiện vận chuyển và điện thoại vệ tinh.
Cũng trong ngày 3/5, cơ quan công tố Venezuela cáo buộc thủ lĩnh đối lập Juan Guaido đã thuê các nhóm lính đánh thuê bằng nguồn tài chính của đất nước bị Mỹ phong tỏa thông qua các lệnh trừng phạt nhằm thực hiện những âm mưu xâm nhập và phá hoại. Theo tài liệu điều tra, các nhóm lính đánh thuê trên được thuê với giá 212 triệu USD và vụ việc có liên quan tới một cựu quân nhân Mỹ có tên là Jordan Goudreau. Hiện cơ quan an ninh Venezuela tiếp tục mở rộng điều tra để xác định các đối tượng chủ mưu, tài trợ và hỗ trợ cho các kế hoạch chống phá trên.
Trong khi đó, ngày 5/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Chính phủ Mỹ không liên quan đến vụ xâm nhập mà Chính phủ Venezuela cáo buộc là âm mưu đảo chính tại nước này. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định vụ việc không liên quan đến Chính phủ Mỹ dù Venezuela đã bắt giữ 2 công dân Mỹ.
Trước diễn biến căng thẳng này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ phản đối bất kỳ hành động nào làm leo thang bạo lực tại Venezuela, đồng thời nhấn mạnh mọi bất đồng cần được giải quyết thông qua đối thoại chính trị. Tổng Thư ký LHQ Guterres sẽ theo dõi sát sao những thông tin trên báo chí về vụ xâm nhập bất thành vào lãnh thổ Venezuela hôm 3/5 vừa qua.
Với mâu thuẫn mới nảy sinh, giới quan sát lo ngại mối quan hệ luôn trong tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela sẽ khó có thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Thanh Lâm/TTXVN
loading...