Mỹ đang tụt lại sau Nga và Trung Quốc trong việc chia 'miếng bánh' Bắc cực
(Thethaovanhoa.vn) - Lượng băng tan ở Bắc cực lớn nhất trong những năm qua để lộ ra các nguồn tài nguyên mới nhưng đó cũng là thách thức bởi Mỹ đang dần tụt lại phía sau Nga và Trung Quốc.
Bất cứ ai ở Bắc bán cầu đều cảm thấy rằng mùa Hè năm nay thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn hẳn những năm trước. Tuần qua đánh dấu những đợt nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc, châu Âu và cả ở Mỹ. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, hơn 28 năm qua nhiệt độ trung bình của Trái đất đã vượt lên so với mức trung bình thường thấy.
Khi mà nửa phía Bắc của Trái đất nóng lên trông thấy thì Bắc cực cũng không nằm trong ngoại lệ. 28 năm trước đây, Bắc cực được bao phủ bởi những lớp băng dày năm này qua năm khác qua nhiều thế kỷ. Nhưng ngày nay, cứ vào mùa Hè thì hai phần ba số lượng băng ở Bắc cực đều tan thành nước đánh dấu sự khai phá và giao thương của con người đến vùng đất lạnh giá nơi đây.
Hội đồng Bắc cực với 8 thành viên chính thức năm 1996 nhưng nay đã bổ sung thêm 6 quan sát viên mới
Lượng băng vĩnh cửu dần tan chảy ở Bắc cực tạo nên một cuộc chạy đua mạnh mẽ giữa các quốc gia bởi lượng tài nguyên khổng lồ với những mỏ kim loại và khoáng sản chưa từng được con người khai phá. Năm 2007, Nga đã từng cắm cờ ở vị trí 4.000 mét dưới Bắc cực như một sự đánh dấu lãnh thổ. Hội đồng Băc cực đã được lập ra năm 1996 bao gồm Canada, Đan Mạch, Nga, Hoa Kỳ... và một số thành viên mới đóng vai trò quan sát như Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhằm phân chia miếng bánh Bắc cực.
Những năm qua Nga, Trung Quốc và Canada là những quốc gia tích cực nghiên cứu Bắc cực nhất với việc sử dụng các hệ thống trắc địa tiên tiến, trong khi Mỹ thì vẫn đang giậm chân tại chỗ sau khi gia nhập Hội đồng Bắc cực năm 1996. Sự bất đồng và bế tắc giữa Đảng dân chủ và Đảng cộng hòa khiến Thượng viện chưa thể đưa ra một tiếng nói chung. Dường như Mỹ đã quá bận rộn ở khu vực Trung Đông mà quên mất đi rằng, Bắc cực mới là khu vực có tiềm năng lớn nhất trong tương lai.
Nguyễn Hồng Đăng
Theo CNN