A+ A A- Kiểu đọc sách

Mỹ: Công tố viên đặc biệt gửi trát yêu cầu Tổ chức Trump giao nộp hồ sơ

12:30 16/03/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tờ "The New York Times" của Mỹ ngày 15/3 đưa tin công tố viên đặc biệt Robert Muller, người phụ trách cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, đã gửi trát tới Tổ chức Trump, yêu cầu giao nộp tất cả các hồ sơ liên quan đến Nga cũng như các vấn đề khác đang điều tra.

Theo báo trên, ông Robert Muller đã gửi trát tới Tổ chức Trump cách đây vài tuần, và đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ công tố viên đặc biệt này yêu cầu giao nộp các tài liệu liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp của Tổng thống Donald Trump.

Tổ chức Trump là tập đoàn bất động sản, kinh doanh khách sạn, sân golf và nhiều dịch vụ khác do ông Trump điều hành cùng gia đình trước khi ông tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Hiện hoạt động kinh doanh của tập đoàn này do các con của ông điều hành. Nguồn tin cho hay trong số tài liệu mà ông Muller muốn tiếp cận có hồ sơ liên quan đề xuất xây dựng tòa nhà chọc trời Tháp Trump tại Moskva vào năm 2015.

Phản ứng về thông tin trên, Tổ chức Trump ra tuyên bố khẳng định đây là "tin cũ". Luật sư của Tổ chức Trump Alan Futerfas nêu rõ từ tháng 7/2017 doanh nghiệp này đã công bố hợp tác đầy đủ trong tất cả các cuộc điều tra, bao gồm cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt, và hiện vẫn đang đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ các nhà điều tra.

Chú thích ảnh
Ông Robert Mueller

Trong khi đó, trả lời phóng viên, người phát ngôn của Nhà Trắng, bà Sarah Sanders không đưa bình luận nào mà chỉ khẳng định giới chức Mỹ vẫn hợp tác với ông Muller trong cuộc điều tra.

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh ông Muller đang mở rộng cuộc điều tra trên theo nhiều hướng, trong đó có nghi vấn các hoạt động chính trị của ông Trump nhận được sự đóng góp tài chính nước ngoài. Hồi tháng trước, hãng CNN đưa tin công tố viên đặc biệt Muller đã bắt đầu điều tra thông tin con rể ông Trump, ông Jared Kushner, kêu gọi sự ủng hộ tài chính nước ngoài cho công ty của ông này trong thời gian chuyên giao quyền lực ở Nhà Trắng.

Những động thái trên cho thấy cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 ngày càng phức tạp. Trước đó, ông Muller đã đưa ra nhiều cáo buộc nhằm vào 2 cựu thành viên trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump, là cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort và cộng sự Rick Gates với 12 tội danh từ rửa tiền đến âm mưu chống lại nước Mỹ..... Cả hai nhân vật này hiện đang bị quản thúc tại gia. Mới đây nhất, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã phải trả lời thẩm vấn của các nhà điều tra liên quan vấn đề trên. Ngoài ra, ông Muller đã công bố các cáo buộc nhằm vào 13 cá nhân và 3 công ty của Nga tham gia vào các âm mưu gián điệp nhằm làm nhiễu loạn chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 thông qua các tài khoản nặc danh trên mạng. Những cá nhân và tổ chức chịu tác động của lệnh trừng phạt mới của Mỹ liên quan vấn đề này bao gồm những người trong danh sách cáo buộc của ông Muller.

Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn luôn bác bỏ mọi cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông câu kết với Nga. Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích việc điều tra hoạt động tài chính của ông và cảnh báo động thái này của công tố viên đặc biệt Mueller sẽ vượt "giới hạn đỏ". Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bị cáo buộc tiến hành chiến dịch tấn công mạng và tiết lộ những thông tin gây bất lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử. Moskva cũng phủ nhận những cáo buộc này.

Hé lộ cuộc ghi âm theo mật lệnh của tòa án về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Hé lộ cuộc ghi âm theo mật lệnh của tòa án về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Ngày 18/9, hãng tin CNN của Mỹ hé lộ thông tin mới cho thấy theo mật lệnh của một tòa án, các điều tra viên đã ghi âm lại các cuộc trao đổi của ông Paul Manafort - người đứng đầu chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump - trong khoảng thời gian trước và sau khi chiến dịch tranh cử kết thúc.

TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...