(Thethaovanhoa.vn) - Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ hiện chưa đưa ra quyết định về việc rút khỏi hay tiếp tục tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Người phát ngôn của Nhà Trắng Sean Spicer nêu rõ "Hiệp ước Paris vẫn đang được chính quyền thảo luận".
Trước đó, trong cuộc điều trần tại Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Mỹ nên tiếp tục tham gia Hiệp định Paris. Theo ông, việc Mỹ có mặt trong các cuộc thảo luận nhằm giải quyết mối đe dọa từ biến đổi khí hậu là điều quan trọng. Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh tình trạng này đòi hỏi sự phản ứng ở tầm toàn cầu, không quốc gia nào có thể tự giải quyết.
Toàn cảnh Lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tại New York ngày 22/4/2016. Nguồn: AFP/TTXVN
Theo giới phân tích, quan điểm này của Ngoại trưởng Tillerson phần nào đi ngược lại chủ trương của Tổng thống Donald Trump khi trong các chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump từng cam kết sẽ rút khỏi Hiệp định Paris nếu đắc cử.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới vấn đề chống biến đổi khí hậu, ngày 28/3 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định về bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp khai thác than đá và dầu mỏ từ thời người tiền nhiệm Barack Obama mà không hề đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo sắc lệnh trên, chính quyền Trump sẽ đình chỉ, bãi bỏ hoặc xem xét lại các quy định liên quan đến biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy nền công nghiệp năng lượng hóa thạch trong nước. Ngoài ra, sắc lệnh yêu cầu việc xem xét Kế hoạch Năng lượng Sạch, vốn được đưa ra từ thời Obama, trong đó quy định chặt chẽ giới hạn khí thải nhà kính đối với các nhà máy điện nhiệt, điện than.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được đại diện 175 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, ký kết tháng 4/2016 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) và chính thức có hiệu lực 7 tháng sau đó.
Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
TTXVN