(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/6, các điều tra viên của Australia cho biết mảnh vỡ được tìm thấy trên một hòn đảo của nước này hồi đầu tháng này không thuộc chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines.
Trước đó ngày 9/6, Cơ quan An toàn giao thông Australia (ATSB), cơ quan điều phối hoạt động tìm kiếm máy bay trên, đã nhận được thông báo về một mảnh vỡ dạt vào đảo Kangaroo, ngoài khơi bờ biển miền Nam nước này.
Truyền hình Australia phát đi hình ảnh cho thấy vật thể nằm lẫn trong tảo biển và những mảnh gỗ trôi giạt, giống một bộ phận của một máy bay, với dòng chữ "Caution No Step" (Chú ý không bước chân lên).
Trong hai năm qua, các hoạt động tìm kiếm đã bao phủ gần 90.000 km2 và đã phát hiện 500 vật thể, song không có vật thể nào trong số này liên quan đến chiếc máy bay mất tích.
Thông cáo của ATSB đưa ra ngày 22/6 nêu rõ thông tin nhận được từ nhà sản xuất cho biết mảnh vỡ trên không khớp với các đặc điểm kỹ thuật về chế tạo máy bay Boeing thương mại.
Các điều tra viên vẫn đang xác minh hai mảnh vỡ khác được phát hiện trong khoảng cùng thời điểm trên tại đảo Nosy Boraha của Madagasca và đã được chuyển đến ATSB.
Khi mảnh vỡ máy bay trôi dạt vào đảo Réunion của Pháp, Malaysia và Australia đã yêu cầu Pháp trao lại mảnh vỡ, nhưng Pháp đã từ chối, vì sao?
Chuyến bay mang số hiệu MH370 trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) bất ngờ mất liên lạc với mặt đất ngày 8/3/2014. Số phận của 239 người trên máy bay vẫn là điều bí ấn.
Theo giả thiết, máy bay đã đổi hướng và kết thúc hành trình tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương.
Một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử do Australia dẫn đầu được tiến hành tại khu vực rộng lớn 120.000 km2 được cho là nơi máy bay rơi.
Đến nay, hoạt động tìm kiếm đã được triển khai trên diện tích 105.000 km2 trong khu vực 120.000 km2 trên, song chưa đạt kết quả./.
TTXVN