loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo tờ New York Times, vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp đã vượt ra ngoài khuôn khổ hoạt động chính trị của một quốc gia đơn thuần. Đó chính là sự đối đầu của toàn cầu hóa chống lại chủ nghĩa dân tộc. Đó là sự đối đầu của tương lai với quá khứ và của sự mở cửa chống lại sự bảo thủ.
Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron - một người có quan điểm trung dung chưa bao giờ đảm nhiệm chức vụ được người dân bầu chọn - đã giành chiến thắng vang dội trong tối 7/5 là bởi ông đã hưởng lợi từ di sản lịch sử và văn hóa độc nhất của Pháp, nơi nhiều cử tri muốn thay đổi nhưng rất lo sợ trước làn sóng dân túy khiến thay đổi chính trường ở Anh và Mỹ.
Ông đã đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, khiến bà chỉ giành chưa đầy 40% ủng hộ, dù trước đó các cố vấn của bà nói trước thềm cuộc bỏ phiếu rằng kết quả dưới con số 40% sẽ bị coi là sự thất bại.
Khi còn nhỏ Emmanuel Macron đã tỏ ra là một cậu bé rất thông minh, tự tin và dường như thích dành thời gian bên người lớn hơn là những đứa trẻ cùng trang lứa.
Chiến thắng của ông đã nhanh chóng khiến chính giới châu Âu tỏ ra vui mừng, đặc biệt bởi nếu bà Le Pen giành chiến thắng, điều đó sẽ đẩy Liên minh châu Âu (EU) chìm vào khủng hoảng. Cuối cùng, ông Macron, 39 tuổi, một cựu nhân viên ngân hàng và là ứng cử viên không mấy ấn tượng trong chiến dịch tranh cử, đã giành chiến thắng bởi sự may mắn, kỹ năng chính trị đáng ngạc nhiên và bởi nỗi lo sợ và kỳ thị của đa số cử tri Pháp đối với và Le Pen và đảng Mặt trận Quốc (FN) gia của bà.
Sự may mắn
Ông Macron đã thể hiện một phẩm chất mà các cử tri Pháp - không giống những người Anglo Saxon khác - từ lâu coi là vô cùng quan trọng mà các ứng cử viên thành công phải có, đó là sự bình tĩnh làm chủ các vấn đề quan trọng mà đất nước đang đối mặt.
Tân Tổng thống Pháp E.Macron hôn vợ ngay thời khắc công bố chiến thắng. Ảnh: Reuters
Trong khi bà Le Pen “chìm vào” các tiểu tiết, ông Macron đã đối mặt trực tiếp với chúng. Liệu ông có thể biến các lý thuyết đó thành hành động hay không lại là một câu hỏi khác.
Đến nay, ông là người nhận được may mắn cực kỳ lớn. Bốn tháng trước, ông bị bỏ xa, chỉ đứng thứ ba trong các cuộc thăm dò dư luận, với một phong trào không theo đảng phái nào được coi là đầy hứa hẹn nhưng chưa chín muồi. Các phát biểu tầm thường của ông dường như khiến nhiều cử tri quay lưng lại. Các cuộc tập hợp của ông bắt đầu với sự nhiệt tình hăng hái nhưng đã nhanh chóng chùng xuống bởi lối nói dài dòng của ông.
Tuy nhiên, đó chỉ là những gì diễn ra trước khi ứng cử viên hàng đầu François Fillon - một người theo quan điểm trung hữu - bị ảnh hưởng bởi bê bối tham ô, điều giúp ông Macron vươn lên trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào tháng 4/2017 để bước vào cuộc so găng cuối cùng với bà Le Pen.
Bà Le Pen - ứng viên bị đa số cử tri Pháp coi là 'không thể chấp nhận'
Nhiều cử tri ủng hộ ông Fillon đã miễn cưỡng bỏ phiếu cho ông Macron hôm 7/5, quay lưng lại với bà Le Pen - người đã thuyết phục được các cử tri ủng hộ ông Melenchon - người về thứ 4 trong vòng bỏ phiếu đầu tiên và ủng hộ cương lĩnh chống chủ nghĩa tư bản giốngng bà Le Pen. Và ông Macron đã may mắn khi đối đầu với bà Le Pen - một ứng cử viên bị đa số cử tri Pháp coi là không thể chấp nhận được.
Kỹ năng chính trị vượt trội
Tuy nhiên, dù với kinh nghiệm hạn chế, ông Macron đã thể hiện rất nhiều kỹ năng ấn tượng ngay từ đầu, vượt trội hơn nhiều ứng cử viên kỳ cựu khác. Trước tiên, ông đã rất sáng suốt khi từ bỏ quan hệ với “người sếp cũ”, Tổng thống đảng Xã hội không được lòng dân François Hollande, với việc từ chức Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Chính phủ ông Hollande trước khi quá muộn.
E.Macron chọn đúng thời điểm để từ chức Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Chính phủ ông Hollande
Sau đó, ông đã từ chối tham gia vào cuộc bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên của đảng Xã hội hồi tháng 1/2017, và đánh giá chính xác rằng các nhà hoạt động chính trị sẽ chi phối cuộc bỏ phiếu và lựa chọn ứng cử viên cực tả, người sau đó sẽ bị ông Melechon áp đảo - và đó chính là những gì đã xảy ra.
Lời dự đoán chính xác cuối cùng của ông Macron đó là các cử tri Pháp, cũng giống như ở những nơi khác, đã rất chán ghét các đảng phái dòng chính thống và họ đánh giá rằng các kế hoạch chính sách của cả cánh hữu và cánh tả sẽ thất bại trong việc giải quyết các vấn đề của nước Pháp.
Ông đã thể hiện mình là người theo quan điểm trung dung, hài hòa giữa việc bảo vệ hệ thống phúc lợi xã hội của Pháp với việc khuyến khích các doanh nghiệp, nhằm đưa Pháp thoát khỏi sự đình trệ trong năng suất và việc làm.
Phát biểu với tạp chí Foreign Policy, Irene Finel-Honigman, chuyên gia về chính trị Pháp tại đại học Columbia cho rằng chiến thắng của ông Macron đã khiến “toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm”.
Xét từ góc độ thị trường và chính trị, cũng như từ góc nhìn của châu Âu, bà Finel-Honigman cho rằng chiến thắng này “vẫn được coi là sự tích cực hoàn toàn”. Trên thực tế, chiến thắng của ông Macron trước bà Le Pen sẽ được nhiều người coi là chiến thắng rõ ràng của châu Âu và là một đòn giáng với chủ nghĩa bài ngoại và những nỗi sợ hãi.
Emmanuel Macron, ứng viên hàng đầu trong cuộc tranh cử Tổng thống Pháp, có điểm chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump: sự chênh lệch lớn về tuổi tác giữa hai vợ chồng. Chỉ có điều, ông Trump hơn vợ tới 24 tuổi, còn Macron kém vợ tới 25 tuổi.
Thử thách bản lĩnh
Tuy nhiên, kết quả hôm 7/5 không có nghĩa là sự chiến thắng hoàn toàn của ông Macron - hay sự thất bại hoàn toàn của bà Le Pen. Thách thức tiếp theo của ông Macron là cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới. Phong trào Tiến bước của ông, mới thành lập gần một năm, đang đứng trước cuộc đấu khó khăn để giành được đa số ghế. Chuyên gia Pierre Vimont của viện Carnegie châu Âu nói: “Một cuộc bầu cử mới sẽ bắt đầu ngay trước mắt”.
Trong trường hợp phong trào của ông Macron không giành được đa số, ông sẽ cần phải cố gắng thành lập một liên minh cầm quyền, tập hợp một số nhân vật cánh tả và cánh hữu. Trong bối cảnh vấn đề việc làm là quan ngại hàng đầu của các cử tri, ông sẽ muốn nhanh chóng ban hành các cải cách thị trường lao động, và điều đó cần tới sự tín nhiệm của người dân và Quốc hội.
Tuy nhiên, việc thành lập và lãnh đạo liên minh cầm quyền không hề đơn giản. Chuyên gia Martin Michelot của viện nghiên cứu EUROPEUM ở Prague (Séc) nói: “Điều thú vị cần chờ xem sẽ là liệu các chính trị gia Pháp có thể phát triển một liên minh và văn hóa thỏa hiệp hay không.
Trong bối cảnh xuất hiện chia rẽ giữa hai phe tả và hữu, bất kể ai trong phe đối lập cũng có xu hướng bỏ phiếu chống lại quan điểm của phe đa số, trong một hệ thống được coi là không hề mang tính xây dựng”.
Việc ông Macron lên nắm quyền chính phủ liên minh có thể là cơ hội để thay đổi điều đó - nhưng nó cũng có nghĩa rằng ông Macron phải chiến đấu với cả hai phe mỗi khi ông muốn thông qua một chính sách, theo lời cảnh báo của chuyên gia Sheri Berman của Đại học Columbia. Điều đó sẽ chỉ khiến các cử tri Pháp vốn đã rất bất mãn ngày càng trở nên thất vọng.
Theo TTXVN
loading...